Làng biệt thự cổ bị lãng quên

05/03/2016 10:30 GMT+7

Ít ai biết, cách trung tâm Hà Nội không xa, giữa vùng nông thôn quanh năm người dân chân lấm tay bùn, lại tồn tại một làng có nhiều ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc biệt thự Pháp cổ.

Ít ai biết, cách trung tâm Hà Nội không xa, giữa vùng nông thôn quanh năm người dân chân lấm tay bùn, lại tồn tại một làng có nhiều ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc biệt thự Pháp cổ.

Anh Nguyễn Quang Huy, Trưởng thôn làng Cựu giới thiệu về nhà biệt thự Pháp cổ - Ảnh: Lê QuânAnh Nguyễn Quang Huy, Trưởng thôn làng Cựu giới thiệu về nhà biệt thự Pháp cổ - Ảnh: Lê Quân
Từ trung tâm Hà Nội xuôi theo quốc lộ 1A cũ chừng 50 km qua huyện Thanh Trì, Thường Tín, hỏi đường đến ngôi làng có nhiều biệt thự cổ, thì ai cũng biết đó là làng Cựu, xã Vân Từ, H.Phú Xuyên, Hà Nội nằm ở vùng đất thuần nông quanh năm người dân chân lấm tay bùn.
Những ngôi nhà trăm tuổi
Ngôi biệt thự của cụ Phó Du còn giữ được nguyên vẹn nhất trong làng Cựu - Ảnh: Lê Quân
Dẫn chúng tôi đi quanh làng, trên đoạn đường lát gạch vỉa nghiêng đã mòn theo dấu thời gian, anh Nguyễn Quang Huy (37 tuổi), Trưởng thôn làng Cựu tự hào khoe, theo gia phả các dòng họ thì làng có bề dày lịch sử hơn 500 năm, nhưng nhà biệt thự Pháp cổ thì mới chỉ có chừng gần 100 năm nay.
Cả làng hiện còn giữ được gần 30 ngôi biệt thự kiểu kiến trúc Pháp cổ, nhưng chỉ khoảng một nửa trong số đó bảo tồn được nguyên vẹn. Số còn lại đã xuống cấp, biến dạng nhiều do không được trùng tu.
“Theo lời kể của các cao niên trong làng, khoảng những năm đầu 1920, nông nghiệp trồng lúa nước là nghề chính của toàn vùng. Cả làng toàn nhà tranh vách đất nằm san sát nhau, nên khi một trận hỏa hoạn xảy ra đã thiêu rụi mất phần nửa nhà cửa trong làng. Đời sống khó khăn, nhiều gia đình phải bống bế nhau đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Trong thời đó, nhiều người đã học được nghề may comple, áo dài của Tây Âu, chủ yếu phục vụ cho người Pháp ở Hà Nội và các thành phố lớn khác. Kinh tế khá giả lên, đồng thời lại chịu ảnh hưởng đậm của văn hóa, kiến trúc Pháp, nên nhiều người đã quay trở lại quê cha đất tổ, dựng nhà theo phong cách kiến trúc Pháp từ thời đó”, anh Huy cho biết.
Ông Bùi Văn Khánh (69 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Trinh (68 tuổi), đang ở trong ngôi nhà thuộc tòa biệt thự của cụ Phó Du, nằm ở giữa làng Cựu kể, theo lời ông cha truyền lại thì thợ xây nhà thường được thuê từ nơi khác về chứ vùng lân cận không ai biết xây nhà Pháp cổ.
Cụ Phó Du là người giàu có nhất nhì làng Cựu những năm 1930, nên ngôi biệt thự này toát lên vẻ cầu kỳ, nắn nót, cẩn thận qua các đường nét. Bàn tay run run xoa lên tường vôi đã ố màu thời gian, ông Khánh trầm trồ: “Năm 1929, ngôi nhà được xây xong. Gần 100 năm rồi mà chưa một lần phải vá đắp, sơn sửa lại thứ gì. Tường trát rất phẳng mịn, bề mặt chưa hề bị mục. Nền nhà, sân được lát bằng gạch đỏ Bát Tràng. Các bậc cửa được cụ Phó Du kỳ công lựa chọn từng viên đá xanh vuông vức về lát. Thời đó, xi măng chưa phổ biến như bây giờ, nên các cụ dùng mật mía trộn lẫn vôi cát thành chất liệu chính, cùng với gạch đất sét nung để làm nhà”. Như để minh chứng thêm cho sự chắc chắn của ngôi nhà qua thời gian, bà Trinh cầm cây gậy, đứng trên giường vừa chọc cồng cộc lên mái nhà vừa bảo: “Dui mè toàn gỗ lim cả đấy, còn chắc lắm. Các khung cửa, cánh cửa các cụ nhà tôi cũng dùng gỗ lim, bền lắm!”
Rời nhà cụ Phó Du, đi lang thang khắp làng, chúng tôi như lạc vào không gian kiến trúc Pháp cổ. Nhiều cụ cao niên trong làng cho biết, sau khi ngôi nhà cụ Phó Du hoàn thành hoành tráng thì phong trào xây biệt thự trong làng càng lên cao. Nhiều người buôn bán làm ăn xa cũng về làng xây cất lại nhà phong cách biệt thự Pháp. Có chủ nhà còn khéo léo lồng ghép kiến trúc của người Hoa, Tây Ban Nha, Ấn Độ...nhưng chủ đạo vẫn là kiến trúc Pháp.
Tuy nhiên, sau năm 1945, những gia đình giàu có bị quy kết là thành phần địa chủ và tịch thu ruộng đất, nhà cửa. Nhiều ngôi biệt thự bị chia năm sẻ bảy cho người dân vào ở và bị phá dỡ để xây nhà mới... Đến nay, Làng Cựu chỉ còn lại cả thảy 30 ngôi.
Lãng phí tiềm năng du lịch
Ngôi làng nhiều nhà biệt thự Pháp cổ quý là vậy nhưng hiện nay, rất ít nhà có người ở, phần lớn quanh năm cửa đóng then cài. Theo anh Huy, con cháu những gia đình này một năm chỉ về thăm, nhang khói cho tổ tiên ngày giỗ tết, hay ngày cuối tuần. Có người làm ăn ở nước ngoài, phải nhờ người trong họ coi sóc giúp. Dẫn chúng tôi vào biệt thự của cụ Phúc Hưng, anh Huy cho biết, con cháu cụ vẫn giữ nghề buôn bán vải, quần áo ở phố cổ Hà Nội, rất ít khi về. Ghé mắt qua khe cửa gỗ, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến mái ngói trước hiên ngôi biệt thự bị xô xuống, không được dựng lại. Thềm nhà, sân gạch bị nhuốm phủ bởi rêu mốc, lá cây, bụi thời gian...
Càng tìm hiểu về làng biệt thự cổ, chúng tôi càng thấy tiếc nuối khi tận mắt thấy sự xuống cấp của nhiều ngôi biệt thự. Trưởng thôn Huy cũng cho biết, có giá trị cả về văn hóa lẫn lịch sử như vậy song những ngôi biệt thự Pháp cổ tại đây vẫn chỉ dừng lại là nơi ở của người dân hoặc để ngắm.
Xã, huyện đều chưa có chính sách hay nguồn nào hỗ trợ người dân bảo tồn hay phát triển du lịch. Trong các cuộc họp dân cư, cán bộ thôn và xã chỉ vận động bà con cố gắng bảo tồn nhà Pháp cổ. Một số nhà có điều kiện cũng trung tu lại nhà cũ. Đến nay, chưa có bất cứ ai có ý tưởng làm du lịch bằng chính những ngôi nhà quý này.
Biệt thự cũng được một số khách du lịch biết đến song chủ yếu do công ty dẫn mối, mà không có sự hợp tác với chính quyền địa phương. “Chúng tôi là dân thuần nông, không được tiếp xúc nhiều với những ý tưởng mới lạ nên mọi người cứ mặc nhiên để vậy, chứ chưa ai có ý định phát triển du lịch từ những căn biệt thự này”, anh Huy bày tỏ.
KTS Trần Huy Ánh, một người dành khá nhiều thời gian nghiên cứu kiến trúc Pháp cho hay, những năm trước cách mạng, nhiều vùng quanh trung tâm Hà Nội rất phát triển các nghề thủ công. Nhiều làng giàu có, những người có tiền bị ảnh hưởng văn hóa ngoại lai, nên việc xây nhà theo lối kiến trúc Pháp có ở nhiều nơi, làng Cựu là chỗ tập trung nhiều và rõ nét nhất của một thời kỳ lịch sử chuộng nhà Pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.