Trong chuyến công tác tuần qua, người viết về vùng đồng bào Chăm ở H.Bắc Bình, đã chứng kiến sự đổi thay đáng kể, từ bộ mặt nông thôn cho đến cuộc sống tinh thần. Vào các xã thuần Chăm như Phan Hiệp, Phan Thanh, Phan Hòa và một số làng Chăm khác, đều thấy đường sá bê tông, trải nhựa, không còn cảnh mưa thì ngập, nắng thì bụi mù như những năm trước. Xã dân tộc nào cũng có nhà văn hóa, khu vui chơi thiếu nhi.
Nếu như trước đây, Tỉnh ủy Bình Thuận có Nghị quyết 04 về phát triển kinh tế của các vùng đồng bào DTTS thì nay Bình Thuận lại đang tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển triển KT-XH vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030.
Còn nhớ năm 2021, HĐND tỉnh Bình Thuận đã có Nghị quyết 04 ban hành chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên người DTTS trong tỉnh; với các hình thức khác nhau hỗ trợ, khen thưởng các em có điều kiện học tập để về phục vụ quê hương.
Một chính sách hữu ích nhất đối với đồng bào mà người viết từng theo dõi, đó là công tác khoán cho người dân trồng và bảo vệ rừng. Việc giao khoán này những năm qua đã mang lại hiệu quả giữ rừng rõ rệt. Đối với vùng đồng bào DTTS (có nhiều rừng) như ở Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình thì chính sách này còn có ý nghĩa làm thay đổi nhận thức của bà con về nạn phá rừng làm rẫy. Đó là những giá trị cốt lõi của các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS ở Bình Thuận.
Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, đồng bào DTTS một số vùng cao, vùng sâu còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về kinh tế. Ngoài khó khăn về vị trí địa lý thì bà con sản xuất không hiệu quả. Có lúc, các chính sách phát triển vùng DTTS không đến được người dân. Điều này rất cần sự quan tâm đặc biệt, không chỉ của địa phương, mà còn có sự quan tâm từ cấp tỉnh; góp phần giúp bà con trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, không còn hộ nghèo và tiến tới cuộc sống khấm khá hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Bình luận (0)