Làng cổ Đường Lâm

05/10/2009 13:10 GMT+7

(TNTT>) Làng cổ Đường Lâm là nơi rất nhiều du khách tìm về để sống với những hoài niệm đầy sống động của tuổi thơ. Ở đó có cây đa, bến nước, con đò, giếng làng , tiêu biểu cho nét bình dị, yên ả của làng quê Bắc bộ

Làng cổ Đường Lâm chứa cả "vùng trời bình yên" với cội đa, giếng nước, sân đình... Những ngôi nhà cũ kỹ nhỏ bé, mái ngói tường rêu san sát nép mình nơi lũy tre yên bình. Mỗi khi cơn gió thoảng qua, lá tre xao động xào xạc, thân tre nhún nhảy ngỡ như đang ngân nga giai điệu hòa ca bất tận của làng quê bình dị.

Làng cổ đầu tiên

Đường Lâm chỉ cách Hà Nội khoảng 50km, cách Sơn Tây chừng 5km về hướng Đông, bao gồm 9 làng, trong đó có 5 làng Cam Thịnh, Mông Phụ, Đoài Giáp, Đông Sàng và Cam Lâm nằm kế cận nhau. Những làng này còn nguyên vẹn hình ảnh thanh bình của làng quê có cầu ao giặt áo, lò gạch, cổng làng, sân đình, đồng ruộng, mái lá. Cùng chủ thể là những con người chân chất, mộc mạc với những nếp sinh hoạt, phong tục tập quán tín ngưỡng được gìn giữ bất biến nghìn năm qua. Ấy cũng là niềm tự hào thầm kín của cư dân Đường Lâm về “văn hóa làng”.

Thông tin thêm

Từ Hà Nội, du khách có thể tới Đường Lâm bằng ô-tô, xe máy, xe buýt hay xe ôm.

Để thăm thú trong làng, du khách có thể đi bộ hay thuê xe đạp của những người dân địa phương.

Trưa đến, du khách có thể thưởng thức các món ăn dân dã tại một ngôi nhà cổ nào đó trong làng.

Mua kẹo dồi ở quán nước cổng làng về làm quà quê.

Từ năm 2006, đúng dịp sinh nhật Bác Hồ, Đường Lâm vinh dự trở thành làng cổ đầu tiên của Việt Nam được nhà nước trao bằng chứng nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Từ ấy cứ mỗi sớm chiều, tấp nập những du khách thập phương tìm về thăm làng. Và họ "sống lại" trong khung cảnh yên bình chốn làng quê mà người chốn thị thành luôn khao khát.

Vùng đất hai vua

Cư dân Đường Lâm có thể tự hào, bởi vùng đất bình dị quê họ, là nơi đã sản sinh ra bao anh hùng dân tộc  như  Ngô  Quyền, Bố Cái đại vương Phùng Hưng, bà Man Thiện (mẹ của hai bà Trưng), bà chúa Mía (vương phi chúa Trịnh Tráng, có công xây chùa Mía)... Thế nên, Đường Lâm còn được gọi là vùng đất hai vua: vua Ngô Quyền và vua Phùng Hưng.

Đình cổ, nhà cổ và chùa cổ

Nét đặc trưng, tiêu biểu nhất của Đường Lâm là cổng làng và đình làng Mông Phụ. Có thể nói, kiến trúc đình này là biểu trưng của đình Việt Nam. Mỗi năm một lần từ mùng một Tết đến mùng mười, sân đình nhộn nhịp vào hội với các trò chơi dân gian.

Đường Lâm còn đa dạng với nhiều mái nhà cổ, có niên đại hàng trăm tuổi mà vật liệu xây dựng chủ yếu là đá ong. Vào thăm những ngôi nhà cổ của làng, du khách sẽ được đón tiếp nồng nhiệt. Và nếu trưa khách ở lại dùng bữa, sẽ được chủ nhà đãi món tương nhà tự làm ngon không kém tương Bần hay tương Cự Đà nổi tiếng. Nhà cổ ở Đường Lâm đều có kiểu "nội tự- ngoại khách", sân nhà thấp hơn mặt đường. Mỗi khi trời mưa, nước tụ về sân nhà rồi mới thoát ra cống, nhằm sinh tài lộc cho chủ nhân theo triết lý “tụ thủy sinh tài” của người xưa.

 
 
"Vùng trời bình yên" ở làng cổ Đường Lâm - Ảnh: Thy An

Đường làng khắp trong thôn hay ngoài ngõ vô cùng thông thoáng, xanh tươi, sạch đẹp. Nét làng lại cổ kính, rêu phong loang lổ, u hoài, tư lự. Vì vậy ngày nay các đôi lứa sắp nên duyên chồng vợ thường rủ nhau tìm về Đường Lâm chụp hình cưới. Dịp cuối tuần có đến chục cặp tân lang tân nương tìm về đây, ghi lại hình ảnh của khế ước hôn nhân trong màu thổ hoàng của gạch đá, lấp loáng nắng chiều xứ Đoài. 

Khi thăm chùa Mía ở Đường Lâm, du khách sẽ cảm thấy thú vị với gần 300 pho tượng cổ bằng đủ các loại vật liệu từ đồng, gỗ, đất sét và cả thân rễ cây si.

Dừng bước nơi đền thờ Phùng Hưng hay lăng Ngô Quyền, không ít du khách trầm ngâm, thán phục những bậc anh hùng tài trí chốn này. Xưa vua Ngô Quyền từng dùng rặng duối buộc voi chiến. Thăm đồi Hùm, họ lại nhớ Bố Cái đại vương từng oai dũng hạ gục hổ dữ cứu dân lành…

Giã từ Đường Lâm trong ánh chiều chập choạng, cổng làng xa dần trong chiều loang màu nhớ,  chúng tôi không khỏi bồi hồi, tiếc nuối. 

Nhưng chúng tôi phải trở lại với phố thị Hà thành náo nhiệt  và ước hẹn một ngày không xa sẽ trở lại thăm Mông Phụ bởi nơi đây quá cổ kính, thật thanh tịnh, khiến lòng lữ khách lắng lại, thẫn thờ rồi thương nhớ mãi không thôi; bởi những con người chốn này thật chân chất, hiếu khách, nhân hậu, nồng ấm. 

Thy An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.