Nói đúng hơn, xã Đường Lâm có quần thể làng cổ trải đều trên tổng diện tích 164 ha ở 5 thôn kề nhau: Cam Thịnh, Cam Lâm, Ðoài Giáp, Ðông Sàng và Mông Phụ.
Về phong thủy, Đường Lâm nằm thế "tọa sơn vọng thủy" (tựa vào núi Tản, mặt hướng ra sông Hồng). Nơi đây vẫn còn những nét đặc trưng của ngôi làng Bắc bộ: sân đình, cổng làng, giếng nước, cây đa, miếu, điếm canh… Điểm đặc trưng của làng cổ Đường Lâm là tường, cổng bằng đá ong (nên còn được gọi là làng Việt cổ đá ong), đường làng lát gạch nghiêng.
Cổng và đình làng Mông Phụ hiện vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ nhất. Khác với các cổng làng thông thường, cổng làng Mông Phụ như một ngôi nhà 1 gian 2 mái, tường xây đá ong trần, cửa bằng gỗ lim, bên trong có hàng câu đối. Đây là chỗ trú cho người đi tuần làng, nơi người gánh lúa nghỉ ngơi...
Đình Mông Phụ diện tích 1.800 m2, xây năm 1684 trên khu đất cao nhất làng. Sân đình như một ngã sáu xòe ra như nan quạt quy tụ mọi con đường trong làng. Với cách quy hoạch như vậy, dù đến hoặc đi cũng không bao giờ người dân quay lưng lại với mặt chính của đình (hành động được xem là bất kính). Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng của tâm linh trong đời sống người dân.
Làng cổ Đường Lâm hiện có 7 di tích lịch sử cấp quốc gia, 2 di tích cấp thành phố. Dù đã có những đề án đầu tư tôn tạo, bảo tồn của chính quyền nhưng vẫn còn nhiều công trình cổ tại Đường Lâm đã xuống cấp trầm trọng.
Bình luận (0)