Làng cổ Phước Tích - Kỳ 5: Làng bột, làng bánh

17/04/2015 06:34 GMT+7

Không chỉ nổi tiếng trong vùng về khéo tay, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) còn nổi danh với nhiều loại bánh ngọt như phu thê, lá gai, bánh vả, bánh khoai tía…

Không chỉ nổi tiếng trong vùng về khéo tay, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) còn nổi danh với nhiều loại bánh ngọt như phu thê, lá gai, bánh vả, bánh khoai tía…

>> Làng cổ Phước Tích - Kỳ 4: Hơn 500 năm lửa gốm
>> Làng cổ Phước Tích - Kỳ 2: Sống bằng chữ nghĩa 

Bà Đoàn Thị Thỉ, người được xem là “đệ nhất bánh” của làng, gắn bó trọn cuộc đời với các loại bánh - Ảnh: Tuyết Khoa
Bà Đoàn Thị Thỉ, người được xem là “đệ nhất bánh” của làng, gắn bó trọn cuộc đời với các loại bánh - Ảnh: Tuyết Khoa
Nói đến ẩm thực Phước Tích là nói đến văn hóa “bột”. Đây chính là nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực làng quê cổ kính này. Gọi là văn hóa “bột” bởi bột một thời đã làm nên thương hiệu cho làng.
Nổi danh khắp vùng
Tuy làng không làm ruộng nhưng những phụ nữ nơi đây đã khéo léo chế biến ra nhiều loại bột như bột gạo, bột lọc, bột nếp để bán lại cho người dân quanh vùng. Ngôi làng nhỏ bé chưa đầy 120 hộ dân có gần chục nhà làm bột. Như nhà bà Lê Thị Khâm, Nguyễn Thị Thủy, Lê Ngọc Thị Phụng… mấy chục năm nay nổi tiếng với việc chế biến bột gạo ngon ngọt, dẻo thơm. Đa phần bột gạo ở đây được làm thành sợi dài để dùng nấu cháo bánh canh (hay còn gọi là cháo bột). Ngoài ra còn có bột để chế biến các loại bánh…
Từ nguyên liệu bột thơm ngon sẵn có, làng Phước Tích làm nên nhiều loại bánh nổi danh khắp vùng, đặc biệt là các loại bánh ngọt như phu thê, ít đen (bánh lá gai), bánh vả, bánh đôn (bánh khoai tía)…
Bà Lê Thị Như Kiều (53 tuổi), một trong những người nổi tiếng trong làng với bánh phu thê, một loại bánh truyền thống của người Huế. Bánh của bà không chỉ được ưa chuộng trong vùng mà được nhiều người ở tận chợ Đông Ba (TP.Huế) và Đông Hà (Quảng Trị) vào đặt mua. Đa phần đám cưới, đám hỏi quanh vùng đều tìm đến bà Kiều đặt bánh phu thê. “Bánh phu thê được làm từ bột sắn nguyên chất cùng với nhân dừa, đậu xanh... Bánh này muốn ngon thì phải chọn bột thật tươi và dẻo. Nhân bánh ngọt dịu vừa phải. Khi gói thì phải khéo tay cho bánh vuông vức, cứng cáp là đẹp”, bà Kiều cho biết.
Theo chỉ dẫn của bà Kiều, chúng tôi đến nhà bà Đoàn Thị Thỉ, người được xem là “đệ nhất bánh” của làng. Bà Thỉ năm nay 75 tuổi nhưng hằng ngày vẫn làm bánh mang sang chợ Mỹ Chánh (H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bán. Bà làm đủ các loại bánh từ bánh lọc, bánh ít, bánh gói... Trong đó bánh lá gai bà làm chuyên nhất. Cây gai được trồng trong vườn bà.
Bà Thỉ kể, bà làm bánh với mẹ từ thuở nhỏ. Khi nghề gốm không còn thì gia đình bà chủ yếu sống bằng nghề làm bánh. Con bà cũng lớn lên từ gánh bánh lá gai của bà. Giờ con cái đã có công ăn việc làm nhưng bà vẫn làm bánh bán hằng ngày. Tay thoăn thoắt gói từng chiếc bánh, bà Thỉ nói: “Gì chứ làng này thì bánh trái ai cũng biết làm. Ngày xưa làm nhiều lắm. Cứ làm rồi gánh sang các chợ quanh vùng để bán. Vườn nhà ai cũng trồng lá gai lá chuối để gói. Chiều chiều làm lá làm bánh, sáng sớm dậy hấp rồi gánh đi bán sớm. Bởi thế, nhiều người gọi làng này là làng bột, làng bánh luôn…”.
Tổ ẩm thực
Nổi tiếng là làng quê có nếp sống cực kỳ gia giáo nên phụ nữ nơi đây cũng rất khéo léo. Từ khi Phước Tích được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2009, du khách trong nước và quốc tế biết đến Phước Tích nhiều hơn. Nhiều chương trình du lịch, hoạt động tour tuyến được mở. Đội ẩm thực của làng cũng được thành lập, không chỉ phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách mà còn phục dựng những món ăn truyền thống của làng…
Tổ ẩm thực du lịch làng cổ Phước Tích được thành lập bởi chi hội phụ nữ thôn, có 16 thành viên chia thành 4 tổ là con dâu của làng cổ có độ tuổi từ 35 đến 65. Các tổ hoạt động luân phiên nhau. Tổ ẩm thực hoạt động khá gọn nhẹ, đơn giản dưới sự quản lý của Ban Quản lý làng cổ Phước Tích. Thực khách được thưởng thức các món ăn trong không gian nhà rường cổ thoáng mát, rộng rãi của các hộ dân.
Chị Phan Thị Hồng Thanh, phụ trách tổ ẩm thực cho biết, ngoài những món hiện nay thì chị cùng nhiều chị em khác dưới sự hướng dẫn của những bậc cao niên và sổ sách ghi chép của làng để làm lại những món ăn truyền thống của làng như món cơm gỏi, khế xâm, các món vả, canh hầm, đặc biệt là nhiều loại bánh của làng... Hương vị Phước Tích còn nổi tiếng từ những món ăn dân dã, được chế biến bằng nguồn nguyên liệu trong khuôn viên vườn nhà như vả, mít, rau dại, hương liệu, cây ăn trái…
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý di tích, kiến trúc, nghệ thuật làng cổ Phước Tích, năm 2014 có khoảng 4.500 khách du lịch đến làng cổ Phước Tích. Hiện nay làng đã có dịch vụ homestay dành cho khách có nhu cầu lưu trú. Song song với đó là thưởng thức ẩm thực làng quê. Tổ ẩm thực sẽ đưa ẩm thực Phước Tích đậm đà hương vị làng quê, dân dã nhưng tinh tế đến với du khách một cách đầy đủ nhất, ngon nhất...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.