TNO

Làng Cựu hoài cổ từ quá khứ

22/10/2015 11:32 GMT+7

( iHay ) Sau cổng làng nhỏ bé, như bỏ quên cả tiếng xe máy, tiếng nói cười, những âm thanh xô bồ ngoài phố xá.

(iHay) Làng Cựu (xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội) thấp thoáng sau rặng tre già, sau con đê hoa dại chạy dọc 2 bên đường. Buổi chiều dịu dàng đó, tôi đã lặng lại bên ngôi làng cổ kính, rêu phong mà trầm tịch, u hoài.

Sân nhà rợp đầy cây lá khô, cỏ dại mọc um tùmSân nhà rợp đầy cây lá khô, cỏ dại mọc um tùm
Tôi thong dong bước đi vào làng. Qua con cổng nhỏ đã thấy nét thời gian hằn vết những lối đi ngõ nhỏ. Hun hút trong những lối sâu, tối, là một vài ngôi nhà cổ.
Cổng sắt lạnh lùng khóa. Sân nhà rợp đầy cây lá khô, cỏ dại mọc um tùm. Có những mảng tường vôi đã hoang hóa, cũ kĩ, loang lổ trắng đen. Mạng nhện giăng đầy góc tường bạc thếch màu tháng năm. Ở đâu đó, giữa cái u tịch, vắng lặng, bỏ hoang; sự sống cũng đang lặng lẽ, cựa mình.
Mạng nhện giăng đầy góc tường bạc thếch màu tháng nămMạng nhện giăng đầy góc tường bạc thếch màu tháng năm
Bước vào không gian của một ngõ nhỏ im lìm, vắng lặng, dường như thời gian trôi cũng chậm hơn. Cái nắng trời trưa không còn khiến tôi mỏi mệt. Cái cảm giác man mát, lành lạnh của bóng cây đổ lá, của hơi nhà từ những ngôi nhà bỏ không lâu năm dường như cũng khiến cho không khí ở đây khác hẳn với cái nắng tươi ngoài trời.
Đường vào ngõ lát những viên gạch nhỏ hình chữ nhật đã ngả màuĐường vào ngõ lát những viên gạch nhỏ hình chữ nhật đã ngả màu
Đường vào ngõ lát những viên gạch nhỏ hình chữ nhật đã ngả màu cam. Bước chân trên con đường nhỏ, thấy không một bóng người mà ngỡ như đang lạc trong thành phố nhỏ buổi ban trưa.
Tôi chợt nhớ đến câu ca của Trịnh:
Một hôm bước qua thành phố nhỏ
Thành phố đã đi ngủ trưa
(Đêm mơ thấy ta là thác đổ)
Tôi đứng đó thật lâu, nhìn thật kĩ những mái nhà đã phủ màu rêu phong. Ngắm khu vườn đầy lá khô và chằng chịt cây cỏ. Một con búp bê bằng bông đã đổi màu, nằm một góc giữa bãi cỏ dại trong sân vườn. Qua bờ tường đã rào thép, tôi có cảm giác mình đang nhìn thấy quá khứ của một ngôi nhà cổ. Nơi có những đứa trẻ ngày ngày ngồi bên nhau cùng chơi búp bê. Nơi có bà cụ già cầm chổi quét tước khu vườn. Có người mẹ trẻ đang cặm cụi, thoăn thoắt những mũi kim tay.
Ngước tìm một điều gì đó thoảng sâu trong những lối đi nhỏ. Tôi bắt gặp những ô cửa nhỏ xíu, gió còn xao xác thổi qua.
Những khung cửa sổ với song sắt cây đũa, cửa gỗ im lìm khép chặt, khiến tôi nhớ về ngôi nhà cũ của bàNhững khung cửa sổ với song sắt cây đũa, cửa gỗ im lìm khép chặt, khiến tôi nhớ về ngôi nhà cũ của bà
Những ô cửa nhỏ xíu, gió còn xao xác thổi qua
Những ô cửa nhỏ xíu, gió còn xao xác thổi qua
Cả những khung cửa sổ với song sắt cây đũa, cửa gỗ im lìm khép chặt, khiến tôi nhớ về ngôi nhà cũ của bà. Ngày đó tôi vẫn thường trèo lên cửa sổ, tay nắm lấy song sắt to như chiếc đũa cả. Chân huơ huơ ra ngoài, chờ bố đi làm về đón.
Tôi cứ ngỡ, tuổi thơ trôi đi chẳng có cơ hội nào khiến tôi nhớ lại những kí ức nhỏ bé như vậy nữa. Nhưng may thay giữa buổi chiều tháng 4 này, tôi lại một lần được trở về những ngày ấu thơ của mình khi là một người khách lạ, đi ngang qua ngõ vắng.
Chiếc cổng cũ kĩ với lối kiến trúc ấn tượngChiếc cổng cũ kĩ với lối kiến trúc ấn tượng
Làng Cựu thật khiến người ta có nhiều cảm giác hoài niệm. Giống như lạc bước đến thế giới của ngày tháng đã cách xa hàng mấy chục năm trước, lại gặp phải cái tĩnh tại, vắng bóng của trưa chiều lặng gió. Tôi thực sự rất ấn tượng và cảm xúc với từng mái nhà, từng mái cổng, dòng chữ, họa tiết được khắc trên tường của những ngôi nhà nơi đây.
Những mái vòm được khắc họa tiết đã ngả màu theo thời gianNhững mái vòm được khắc họa tiết đã ngả màu theo thời gian
Tôi có được nghe kể rằng, những ngôi nhà này không hẳn làm theo lối kiến trúc của Pháp. Đó là sự kết hợp giữa kiến trúc Gô-tích Pháp và Việt cổ. Điều đó khiến người ta có cảm giác vừa lạ lẫm mà cũng rất thân quen khi bước tới nơi đây.
Thực sự, sau cổng làng nhỏ bé, như bỏ quên cả tiếng xe máy, tiếng nói cười, những âm thanh xô bồ ngoài phố xá. Bước đến đây để chìm trong cái không khí yên bình, u tịch và trầm lắng. Nỗi buồn lạ lùng ấy sẽ thật khó lí giải. Tôi vẫn mong làng Cựu bây giờ và sau này vẫn thế. Vẫn giữ được những nét sâu đọng, lặng trầm khó hiểu này, để mãi mãi chẳng bị nhuốm màu du lịch, màu thương mại như những ngôi làng đã từ “làng cổ” mà hóa “phố thị”
Liệu tôi có quá ích kỉ chăng?

Hạnh My

>> Đến Huế nhớ ghé đầm Chuồn
>> 'Cưỡi' máy cày thăm bản Cờ Ho
>> Thăm làng rạng danh thương hiệu 'Quảng Nam hay cãi'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.