Làng đặc sản đất Hà Nam

14/10/2011 12:05 GMT+7

Gần 10 năm nay, thôn Bạch Xá trở nên nổi tiếng bởi đây là nơi sinh sống của khá nhiều loài “đặc sản” như rắn hổ mang phì, hổ trâu, kỳ đà…

Cách thị trấn Đồng Văn hơn 1km, thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông thuộc huyện Duy Tiên, Hà Nam được biết đến với nghề bắt rắn truyền thống.

20 năm trước, làng đã có nhiều hộ nuôi ba ba, không lâu sau, người dân Bạch Xá chuyển sang nuôi rắn. Đặc biệt, khi được ngành kiểm lâm cấp phép, người Bạch Xá nuôi thêm những loài bò sát quý hiếm như hổ trâu, hổ mang phì, kỳ đà. Những lô rắn từ đó được vận chuyển dễ dàng hơn, không giống khi chưa được cấp phép, bị bắt là mất trắng.

 
Ông Thư, một trong những người nuôi rắn đầu tiên ở Bạch Xá - Ảnh H.N

Với gần 20 năm, ông Nguyễn Khắc Thư, một trong những người nuôi rắn đầu tiên của làng cho biết, ban đầu chỉ là nuôi rắn được bắt ngoài đồng, chất lượng cũng như số lượng hạn chế, khi trở thành “đặc sản”, lãi nhiều hơn nên người làng làm theo nhau.

Nhà ông Thư có khoảng 40 chuồng nuôi, tổng số rắn lên đến gần 2.000 con, trong đó có cả rắn con bán giống. Bán rắn con lời và nhàn hơn rắn thịt rất nhiều. Trung bình 1 cặp rắn bố mẹ đẻ khoảng 20 - 30 quả trứng, tỉ lệ thành công là 98%, thậm chí nếu chuồng trại khô ráo, điều kiện chăm sóc tốt tỉ lệ đó là 100%. Theo ông Thư, rắn con muốn nuôi làm rắn thịt cũng nhanh và dễ dàng hơn rắn hoang dã bởi đã quen với môi trường nuôi nhân tạo.

Có thâm niên ít hơn, nhưng ông Nguyễn Kế Dưỡng hiện là nông dân có số lượng rắn nhiều nhất làng với 3 trang trại, tổng số 6.000 con rắn, trong đó có 3.900 rắn con, hơn 800 rắn bố mẹ, rắn thịt khoảng 1.500 con. Theo ông Dưỡng, gia đình chủ yếu nuôi rắn phì trắng bởi loài này dễ nuôi. Mỗi năm trừ chi phí gia đình thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Không giống ông Thư hay ông Dưỡng chỉ tập trung nuôi rắn hổ mang phì, ông Nguyễn Khắc Thự, là em trai ông Thư nuôi cả rắn hổ mang trâu và kỳ đà. Vừa cho chúng tôi thăm quan khu chuồng nuôi, ông Thự vừa nói “nuôi  rắn trâu này rất dễ, thu nhập cao hơn rắn phì, lại rất an toàn bởi loài này không độc”. Hiện tại, ông có khoảng 300 con trong đó 80 rắn bố mẹ, còn lại là rắn nuôi bán.

Chiếm diện tích rất nhỏ, mỗi chuồng rắn hay kỳ đà chỉ rộng khoảng 4m2, mỗi chuồng chứa khoảng 30 con rắn hoặc 15 con kỳ đà, riêng rắn hổ mang trâu bố mẹ thì chuồng nuôi là một ngăn kéo nhỏ và chỉ thả 1 con để tránh việc tranh giành thức ăn, nhất là thời kỳ sinh sản. Cách 1 ngày mới phải cho ăn 1 lần, rắn bố mẹ thì 1 tuần, thậm chí mùa đông không cần cho ăn rắn cũng không chết. Mỗi cân rắn hổ mang phì giá từ 700.000 - 900.000 đồng, hổ trâu từ 900.000 - 1.160.000 đồng, kỳ đà là 600.000 đồng. Thức ăn chủ yếu là ếch nhái, cóc và trứng vịt hỏng.

Tuy nhiên, việc chăm sóc rắn cũng khá nguy hiểm. Một người nuôi rắn trong làng là anh Toan cho biết, nếu chăm sóc cẩn thận và không làm rắn đau thì sẽ không bị rắn cắn, còn để bị cắn thì hậu quả rất khó lường. Mặt khác, do một năm mới thu hoạch một lần nên khả năng quay vốn chậm. Chưa hết, đa số người dân Bạch Xá đều phải tự tìm đầu ra theo lối tự sản, tự tiêu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Quá trình nuôi rắn tưởng nhàn song cũng lắm gian nan. Theo ông Thư, dăm năm trước, khi có dịch bệnh, rắn không xuất được nên ông không cho rắn ăn, chúng đói quá nên quay ra cắn lẫn nhau, chết rất nhiều khiến gia đình lỗ đến 18 cây vàng, nếu theo tỷ giá bây giờ sẽ là một số tiền lớn.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Thư giãi bày: “Chúng tôi rất mong các cấp các ngành quan tâm để được mở rộng mô hình cũng như yên tâm phát triển nghề này”. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Sìu, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đông thì nghề nuôi rắn ở địa phương tuy phát triển nhưng hoàn toàn là tự sản tự tiêu, do cấp trên không có hướng dẫn nên chính quyền xã cũng không hỗ trợ được gì.

Hương Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.