Làng 'đại gia' oằn mình vì ô nhiễm

24/12/2018 08:21 GMT+7

Nước thải ô nhiễm khắp nơi nhưng người dân bức xúc nhất là nhà máy xử lý nước thải xây dựng khang trang, bề thế dù hoàn thành cả năm nay nhưng chưa hoạt động.

Nhiều người ở làng Phương La trở thành "đại gia" từ nghề dệt, nhuộm. Nhưng mặt trái là nhiều gia đình bị bóp nghẹt sinh kế vì ô nhiễm trong khi nhà máy xử lý nước thải trị giá hàng chục tỉ đồng đang phải “đắp chiếu”.

Cá chết, ruộng bỏ hoang

Làng Phương La (xã Thái Phương, H.Hưng Hà, Thái Bình) trước đây có tên là làng Mẹo, nổi tiếng ở miền Bắc với nhiều tỉ phú, đại gia giàu lên từ nghề dệt, nhuộm vải, cung cấp hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản. Thế nhưng, cũng ở ngôi làng này, hàng trăm hộ gia đình đã và đang dần mất đi sinh kế, sống trong bầu không khí ngột ngạt, khó thở do mùi hóa chất.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng thôn Phương La 1, ông Nguyễn Văn B. đưa đến nơi ô nhiễm nhất làng, có những ống xả chôn ngầm. Ống xả ra cánh đồng này có đầu nguồn từ cơ sở nhuộm vải thuộc Công ty TNHH Lương Ngọc.
Bằng mắt thường có thể thấy nước thải từ ống xả có màu xanh diệp lục, luôn ở trạng thái sủi bọt tăm trắng xóa và có mùi nồng nặc của thuốc tẩy, cồn. “10 người đi qua đây thì cả 10 đều phải đưa tay bịt mũi vì mùi hóa chất, mùi hôi thối của lớp bùn thải đọng lâu ngày. Ngày nào gió thổi hướng đông, mùi hóa chất theo gió phả vào nhà, có đóng, bịt kín cửa cũng không ngủ yên được”, ông B. kể.
Nhà máy nước thải có tổng vốn đầu tư 76 tỉ đồng nhưng hiện vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”
Gia đình ông Đỗ Văn Khoa có gần một mẫu ruộng nhưng phần lớn diện tích đã bỏ hoang vì không thể canh tác. Ông nói trước đây nước thải của làng Phương La chảy theo kênh rạch ra xã Minh Tân, Kim Chung. Người dân các xã này không chịu được nước ô nhiễm nên đắp đập chặn dòng. Không còn đường thoát, nước thải dềnh lên cánh đồng. Đất ngấm chất thải có trồng cây gì cũng “mất ăn”.
“Nước vào ruộng, lội xuống là ngứa chân. Vụ lúa vừa rồi, công cấy thuê 250.000 đồng/sào mà thợ cấy đến bờ nhìn dòng nước đen ngòm liền không nhận cấy nữa”, ông Khoa nói.
Đi sâu vào trong thôn Phương La 1, nước thải từ các cơ sở dệt nhuộm đẩy nhiều gia đình tới nguy cơ tán gia bại sản. Gần đây nhất, chiều 6.12, ao cá của gia đình ông Trần Văn Hưng với gần 1 tấn cá chuẩn bị đến ngày kéo lưới thu hoạch chết nổi trắng ao. Cực chẳng đã, gia đình ông Hưng mang xô đựng đầy cá chết đưa lên UBND xã Thái Phương để “bắt đền”. Ông Hưng cho biết nước thải bị chặn lại chảy ngược vào ao, nước biến màu đen ngòm như “nước chè đỗ đen”, qua một đêm cá đã nổi lềnh bềnh khắp mặt ao.
Ông Hưng thầu lại đất của hợp tác xã làm trang trại nhưng 3 năm nay gần như thất thu, mất trắng hàng chục triệu đồng vốn. “Năm 2017, vợ chồng tôi nuôi 5 con lợn nái, lấy nước từ sông để tắm lợn rửa chuồng, một thời gian lợn ngã bệnh chết, xác chôn góc vườn đằng kia”, ông Hưng nói và chỉ tay phía cuối vườn.

Nhà máy xử lý nước thải “đắp chiếu” do… không có người vận hành

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Linh, Trưởng thôn Phương La 1, cho biết nghề dệt, nhuộm truyền thống gây ô nhiễm là điều khó tránh nhưng đến nay vượt quá sức chịu đựng của người dân. Nước thải từ cơ sở dệt nhuộm không qua xử lý đều xả ra môi trường. Ông Linh dẫn chúng tôi đến những dòng kênh rạch nước đen ngòm và cho biết: “Vụ lúa vừa rồi, toàn thôn có 20 mẫu lúa bị chết sạch. Còn vụ trước, nước thải làm lúa mất mùa. Lúa trổ bông, làm đòng đẹp nhưng gặt về thì hạt lép rất nhiều”, ông Linh cho hay.
Cơ sở dệt nhuộm của Công ty TNHH Lương Ngọc có đường ống xả thải trực tiếp ra kênh thủy lợi cánh đồng thôn Phương La 1
Nước thải ô nhiễm khắp nơi nhưng người dân bức xúc nhất là nhà máy xử lý nước thải xây dựng khang trang, bề thế ngay tại xã dù hoàn thành cả năm nay nhưng chưa hoạt động.
Ông Trần Bá Cao, Chủ tịch UBND xã Thái Phương, cho biết toàn xã có 102 cơ sở có hoạt động kinh doanh liên quan đến nấu giặt, tẩy nhuộm, phần lớn nước thải không qua xử lý được xả thẳng vào các dòng chảy.
Trong tháng 8 - 9 vừa qua, Sở TN-MT tỉnh Thái Bình ra quyết định xử phạt hành chính 5 doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Lương Ngọc, với mức phạt hành chính từ 50 - 400 triệu đồng, buộc các doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Ông Trần Bá Cao thừa nhận, ô nhiễm ở làng nghề Phương La kéo dài hơn 10 năm nay gây bức xúc cho người dân và thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh Thái Bình và H.Hưng Hà đã quy hoạch gom các cơ sở nấu giặt, tẩy, nhuộm thành cụm công nghiệp, nhưng ô nhiễm càng nghiêm trọng do trước đây chưa có quy định doanh nghiệp buộc phải xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.
Để giải quyết tình trạng này, năm 2014 UBND tỉnh Thái Bình và Bộ TN-MT quyết định triển khai dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, có diện tích 5 ha và vốn ngân sách đầu tư hơn 76 tỉ đồng. Dự án do UBND H.Hưng Hà làm chủ đầu tư và Công ty CP đầu tư quốc tế tiến bộ (AIC) trúng thầu thi công, đã hoàn thành lắp đặt máy móc thiết bị từ đầu năm 2018 nhưng chưa được đưa vào khai thác.
Về nguyên nhân, theo ông Trần Bá Cao, UBND H.Hưng Hà và Ban Quản lý cụm khu công nghiệp H.Hưng Hà chưa xây dựng được bộ máy quản lý, vận hành bởi đây là mô hình còn rất mới. UBND H.Hưng Hà tổ chức nhiều cuộc họp tháo gỡ vấn đề này, cử cán bộ đi học tập mô hình quản lý ở H.Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) nhưng không thể áp dụng vì quy mô nhà máy xử lý, công nghệ rất khác nhau.
Cũng theo ông Cao, cuộc họp gần đây của UBND H.Hưng Hà thống nhất giao cho AIC vận hành thử nghiệm 6 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 12, với chi phí doanh nghiệp đề xuất khoảng 3 tỉ đồng. “Mức chi phí vận hành nhà máy rất cao và đến tháng 6.2019 đơn vị nào tiếp tục vận hành, mức đóng góp từ doanh nghiệp ra sao đang là vấn đề UBND H.Hưng Hà tiếp tục nghiên cứu để có mô hình quản lý phù hợp”, ông Cao nói.

Bệnh mắt hột, viêm phổi, ngoài da cao bất thường

Theo ông Trần Bá Cao, thiết kế của nhà máy xử lý nước thải chỉ đạt 800 m3/ngày, trong khi 102 cơ sở có hoạt động sản xuất nấu tẩy, giặt, nhuộm vải ở Phương La nếu vận hành hết công suất thải ra 2.400 m3 nước thải/ngày, gấp 3 lần công suất nhà máy. Để giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND xã Thái Phương có kiến nghị với UBND H.Hưng Hà và Ban Quản lý cụm công nghiệp H.Hưng Hà xây dựng phương án sản xuất luân phiên giữa các doanh nghiệp để giảm bớt lượng nước thải thì mới khắc phục được phần nào ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê, mỗi năm làng nghề Thái Phương sử dụng khoảng 100 tấn nhớt thủy tinh và hàng chục tấn nước ô xy già, xà phòng… vào sản xuất nên nước thải có độ kiềm cao. Kết quả phân tích nước thải của Sở TN-MT tỉnh Thái Bình ghi nhận, hàm lượng chất rắn lơ lửng, sulfua, ô xy hóa luôn vượt quá tiêu chuẩn VN cho phép từ 3 - 10 lần. Nguyên liệu, hóa chất độc hại sử dụng trong dệt nhuộm là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh viêm phổi, bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa, bệnh mắt hột. Theo thống kê của Trạm y tế xã Thái Phương, tỷ lệ mắc các bệnh mắt hột, viêm phổi và bệnh ngoài da của người dân địa phương cao gấp 4 - 5 lần so với các xã khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.