Sau nhiều năm phát triển, thị trường game online Việt Nam trở thành “miền đất hứa” của rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo đà phát triển mạnh mẽ đó, số lượng game “xuất xưởng” cũng tăng lên chóng mặt. Khó mà thống kê đầy đủ được số lượng đầu game đang phát hành tại Việt Nam, kể cả những sản phẩm do các NPH nước ngoài cung cấp “chui”.
Giữa thị trường có quá nhiều đối thủ cạnh tranh xuất hiện từng ngày như thế, nhiều chiêu trò quảng cáo “độc”, nhưng không mấy “đẹp”, đã ra đời và trở thành chiêu bài quen thuộc của nhiều nhà phát hành.
Quảng cáo mang tính gợi dục rất phản cảm của một NPH game Trung Quốc.
Dùng hình ảnh 18+ để quảng cáo game
Đây có lẽ là "chiến lược" truyền thông quen thuộc nhất trong những năm gần đây của làng game Việt. Tuy nhiên, "chiến lược" này cũng có sự khác nhau giữa các NPH trong nước và ngoài nước.
Các NPH nước ngoài, do bị hạn chế về mặt giấy phép, nên thường chỉ quảng bá game trên kênh Facebook, Google hoặc những trang web nhỏ của Việt Nam. Họ sử dụng nhiều cách để lôi kéo người chơi, nhưng thông dụng nhất, là dùng một banner chứa hình ảnh 18+, đôi khi thô tục, cùng những lời lẽ mang tính gợi dục.
Trớ trêu là những chiêu bài này thực sự… hiệu quả, đem lại lượng khách hàng khá lớn. Vào cuối năm 2013, trong cuộc điều tra tại NPH K., doanh thu “tạm tính” của họ đã khiến nhiều người trong ngành game phải “sốc”: hơn 40 tỉ đồng mỗi tháng.
Một quảng cáo mang tính gợi dục khác.
Các NPH Việt ban đầu cũng khá “dè dặt” trong việc dùng hình ảnh 18+ để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, có vẻ như “tư tưởng” của nhiều NPH đã trở nên… "cởi mở" hơn. Những banner tận dụng tối đa… da thịt của nhân vật game xuất hiện nhiều hơn trên trang chủ game, và đó mới chỉ là… bình thường so với các chiêu bài khác, như Body Painting, làm clip viral với nội dung hài nhưng đề cập chủ yếu đến… tình dục
Các chiêu trò truyền thông tận dụng nội dung 18+ thu hút được rất nhiều sự chú ý từ game thủ, vốn đa phần là những người trẻ tuổi.
Cuộc chiến từ khóa
Sau chiêu bài 18+, một phương pháp cạnh tranh trên chiến trường Marketing cũng đang được khá nhiều nhà phát hành ưa thích, là dùng tên sản phẩm... đối thủ để quảng bá cho game nhà mình. Cuộc chiến từ khóa diễn ra chủ yếu trên “mặt trận” Google và Google Play (với các game mobile).
Trên Google Play, rất dễ tìm thấy hàng loạt game có tên trùng lặp với nhau. Điều này bắt nguồn từ chính sách “thoáng” của Google, nên chốn này đã trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó”.
Câu chuyện mới nhất là nếu bạn thử tìm kiếm từ khóa “Cửu âm chân kinh” trên Google Play, có thể bạn sẽ dễ dàng được giới thiệu một game Cửu âm chân kinh. Nhưng thực tế, đây lại là game… Bất bại online của NPH Minh Châu (MCCorp).
"Nghi án" Bất bại "đội lốt" Cửu âm chân kinh
MCCorp đã đưa ra lời giải thích chính thức cho vụ việc này, rằng đây không phải là chủ trương của họ, và người dùng tên Cửu âm chân kinh để quảng bá cho Bất bại online cũng không liên quan đến đội ngũ vận hành của công ty.
MCCorp phân trần rằng đây thực chất là các đối tác kinh doanh lợi dụng tên tuổi, uy tín lâu năm của NPH này để clone ra các bộ cài khác nhau, tự tạo tài khoản trên Googe Play.
Chưa biết sự thật cuối cùng là như thế nào, nhưng rõ ràng với “câu chuyện thú vị” này, kha khá gamer muốn chơi thử Cửu âm chân kinh đã… rơi vào tay Bất bại online, và có thể kéo theo nhiều hệ lụy khác với tựa game bị “nhái tên” này.
Lời kết
“Thương trường như chiến trường”, để giành một chỗ đứng trong thị trường game online Việt đang ngày càng chật hẹp, nhiều NPH không ngại xài hết những chiêu bài có thể, mặc kệ việc chúng có thể lại đem đến cái nhìn xã hội không hề tích cực (sex, 18+, bạo lực, v.v.), cũng như tạo nên sự hỗn loạn không lành mạnh, thậm chí là chèn ép lẫn nhau.
Làm thế nào để giải bài toán cân bằng lợi ích và đem lại luồng gió “sạch” hơn cho thị trường game Việt? Câu hỏi thật khó trả lời, ít nhất là khi các biện pháp chế tài nhằm ngăn ngừa những chiêu bài “bẩn” vẫn chưa được các cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ.
Bình luận (0)