Làng nằm giữa vùng giáp ranh với huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), cách trung tâm huyện Ninh Sơn chừng 30 km, hiện có 610 người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Từ trung tâm xã Ma Nới, để đến được làng Tà Nôi chỉ có con đường đất rộng 6m nhưng phải băng qua 5 con suối. Mùa nắng, nước suối cạn nên việc đi lại của người dân thuận tiện nhưng đến mùa mưa thì hầu như bị “cô lập” với bên ngoài. Mặc dù cơn mưa đã qua 5 ngày nhưng khi chúng tôi đi đến con suối đầu làng, nước vẫn còn dâng cao gần 1m nên phải nhờ các trai làng khiêng xe máy, vượt qua dòng nước chảy xiết để đến được làng. Ở đây có nhiều quán tạp hóa bán nhu yếu phẩm phục vụ dân làng và thu mua hàng hóa nông sản của người dân. Do biết việc đi lại rất khó khăn nên các chủ quán luôn trữ hàng đầy kho trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, cũng vì lý do này nên việc thu mua nông sản (chủ yếu bắp, chuối, hạt điều, đậu xanh…) của người dân cũng bị họ ép giá.
|
Theo ông Katơ Qua (làng Tà Nôi), ngoài việc bị tư thương ép giá khi thu mua nông sản, học sinh phải nghỉ học do không thể lội qua suối để đến trường trong những tháng mùa mưa. Trong những ngày mưa bão thì dân làng hầu như cô lập hoàn toàn. Cử tri nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng đều nhận được câu trả lời là ngoài khả năng. Ông Cà Mau Viên, Phó chủ tịch UBND xã Ma Nới, cho biết nhiều năm nay người dân Tà Nôi rất khó khăn trong việc đi lại. Những tháng mùa mưa, cán bộ xã có gia đình ở làng Tà Nôi cũng đành phải “tạm trú” ở tại trụ sở UBND. “Khi có người bệnh nặng, phải huy động trai làng khiêng bệnh nhân đi bộ hơn 8 km mới đến được Trạm y tế xã chữa trị”, ông Viên cho biết.
Theo ông Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, kinh phí để xây dựng các cầu băng qua các con suối đi vào làng Tà Nôi là vô cùng lớn, nằm ngoài khả năng của địa phương nên phải chờ xin nguồn từ trung ương.
Thiện Nhân
Bình luận (0)