Làng góa chồng bên mỏ đá

29/11/2013 08:30 GMT+7

Làng Pháp Cổ, xã Lại Xuân là làng nghề khai thác đá lớn nhất huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Đá là nguồn sống của người dân ở đây, nhưng đá cũng khiến cho nhiều gia đình phải ly tán, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố.

Làng Pháp Cổ, xã Lại Xuân là làng nghề khai thác đá lớn nhất huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Đá là nguồn sống của người dân ở đây, nhưng đá cũng khiến cho nhiều gia đình phải ly tán, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố.

>> Tạm dừng hoạt động tất cả mỏ đá tại xã Lại Xuân

Làng góa chồng bên mỏ đá
Chị Nguyễn Thị Út chưa đến 30 tuổi đã góa chồng, một mình nuôi 3 con - Ảnh: Bùi Hương

Theo số liệu của UBND xã Lại Xuân thì địa phương có hàng trăm phụ nữ chồng mất sớm, riêng làng Pháp Cổ hiện có trên 120 phụ nữ, gồm ba thế hệ đang sống khô héo thờ chồng. Nhưng theo người dân Pháp Cổ, số phụ nữ góa chồng trong làng còn cao hơn thế, nguyên nhân chính là vì tai nạn do khai thác đá.

Trong làng Pháp Cổ, xóm 5, xóm Đống Lò là những xóm có nhiều người chết vì đá nhất. Chỉ trong một ngõ nhỏ Đống Lò đã có gần chục người tử nạn vì nổ mìn, đá đè, xe cán chỉ trong vài năm. Có năm xóm mất đến 7 người, có gia đình 3 anh em trai cùng chết vì đá, đó là các nhà Được Bé, Cô Tý, Vui Hùng, Anh Út, Hanh Vi... như cách gọi của người dân trong xóm.

Tại xóm 5, đau đớn nhất có lẽ là nhà cụ Nguyễn Thị Phú, năm nay đã 92 tuổi. Vừa nấu cơm trong bếp, cụ vừa thều thào kể: “Tôi có 8 người con thì đã mất 3 thằng vì nổ mìn. Thằng Hanh mất đầu tiên, thay áo cho nó xong lại đến thằng Dinh, thằng Bốn chết, nhưng không làm đá thì chẳng biết làm gì để sống”. Chồng cũng làm nghề đá và đã mất, cụ Phú nay sống cùng 3 con dâu chung cảnh góa chồng.

Chị Nguyễn Thị Cảnh, con dâu cụ Phú cho biết: anh Bốn, chồng chị chết vì nổ mìn cách đây 4 năm ở máng đá Đèo Ngọc. Gia đình được chủ mỏ hỗ trợ 20 triệu, cậu con trai 21 tuổi của chị cũng kế nghiệp bố, làm lái xe chở đá. Nói rồi, chị Cảnh khóc: "Trong ba chị em dâu, thương nhất là vợ bác Hanh, chồng chết, nhà không có, phải đi thuê, hai thằng con thì một thằng nghiện, một thằng cũng quay lại nghề đá”. 

Bi kịch nhất có trong số những bà góa ở Pháp Bổ có lẽ là bà Nguyễn Thị Lâm, ở xóm 7, năm nay đã 56 tuổi. Chồng mất vì đá đè khi mới 22 tuổi, khi chưa có con, vừa lo xong lễ trăm ngày của chồng, bà đã phải lo tang ma cho người em chồng cũng tử vong trong một tai nạn tương tự. Nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, bà kể: "Không con cái, một mình lam lũ sinh nhai, lắm lúc chỉ muốn nhanh nhanh đi theo ông ấy".

Ông Phạm Xuân Phán, trưởng thôn Pháp Cổ, cho biết: “Lại Xuân như một thung lũng lọt thỏm trong bốn bề núi đá vôi. Hơn 90% người dân sống bằng nghề đá: bổ đá, nổ mìn, phá đá, nghiền đá, sống với đá mà chết cũng vì đá. Nguy hiểm như vậy nên người dân ở đây ngày nào cũng thấp thỏm, chỉ khi nào chồng, con đi làm về thì mẹ, vợ, con cái họ mới thở phào nhẹ nhõm".

Theo ông Phán, năm nào ở đây cũng xảy ra tai nạn đá, không nặng thì nhẹ. Tháng 7.2012, tại khu núi Trại Sơn, một vụ tai nạn làm 9 người chết, 4 người bị thương, riêng Pháp Cổ mất 3 người, đều là đàn ông. Phần lớn những người gặp nạn tuổi còn trẻ, nên chị em góa chồng cũng rất trẻ, nhiều người chỉ trên dưới 20 tuổi.

Gặp chúng tôi, bà Đỗ Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lại Xuân đã phải cám cảnh thốt lên: "Biết là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng sao thấy những phận góa ở Pháp Cổ xót xa quá. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị việc quan tâm đến an toàn lao động ở các mỏ đá, nếu các cấp chính quyền không có giải pháp quyết liệt thì sẽ vẫn có tai nạn xảy ra, và phụ nữ ở đây sẽ còn tiếp tục góa chồng".

Bùi Hương

>> Nước mắt ở “làng góa phụ”
>> Hiểm họa rình rập ở các mỏ đá
>> Nỗi khổ sống cạnh mỏ đá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.