Làng gốm 150 năm và nguy cơ bị xóa sổ

07/04/2015 09:59 GMT+7

Làng gốm Tân Vạn (Đồng Nai) có lịch sử hình thành và phát triển gần 150 năm. Đây là làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng nhất tại Đồng Nai nhưng đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.

Làng gốm Tân Vạn (Đồng Nai) có lịch sử hình thành và phát triển gần 150 năm. Đây là làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng nhất tại Đồng Nai nhưng đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.

 Sản xuất gốm ở làng gốm Tân Vạn
Nguyên nhân do phải cạnh tranh khốc liệt của hàng gốm Trung Quốc, do mai một nghệ nhân vì lớp trẻ không theo nghề…và cả chính sách quy hoạch làng nghề thiếu hợp lý.
Năm 2000, UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương di dời làng gốm Tận Vạn và một số cơ sở gốm ở P.Bửu Hoà, xã Hoá An (TP.Biên Hoà) vào cụm gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa). Mục đích là nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống.
Tuy nhiên theo ông Vòng Khiềng, Chủ tịch Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai thì với cách bố trí của cụm gốm sứ Tân Hạnh mới chỉ bảo đảm về mặt sản xuất, chưa quan tâm đến vấn đề bảo tồn. “Không thể đối xử với làng nghề truyền thống giống như một KCN được. Làng nghề ngoài việc phải hiện đại, thông thoáng, thân thiện môi trường thì còn phải có các khu vực phụ trợ như du lịch, tham quan, khu văn hóa trưng bày, giới thiệu sản phẩm…Còn nếu không thì làng nghề khó có thể sống được”, ông Khiềng phân tích.
Ông Đỗ Anh Tuấn (ngụ P.Tân Vạn) chủ một cơ sở gốm dùng lò củi cho biết: “Chi phí đầu tư khi vào khu quy hoạch với lò nung điện mất ít nhất cũng phải 3 tỉ đồng, số tiền đó quá lớn đối với chúng tôi. Mặt khác đặc trưng đất đen ở Đồng Nai là phải đốt bằng lò củi mới đẹp. Những sản phẩm như lu, hũ… có kích cỡ lớn không thể nung bằng lò điện được. Do vậy nếu buộc phải di dời thì thì chúng tôi chấp nhận bỏ nghề chứ không thể làm được khi vào khu quy hoạch”.
Lớp trẻ “quay lưng” với nghề
Thống kê của Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho thấy từ hơn 300 DN, cơ sở sản xuất gốm năm 2001 (chủ yếu ở TP.Biên Hòa), đến nay chỉ còn khoảng 36, trong đó có 15 cơ sở sử dụng lò củi để nung gốm.
Nghề gốm làm ít tiền, lại cực khổ nên không thu hút được lớp trẻ theo nghề. Điều này góp phần đẩy làng gốm Tân Vạn đi vào ngõ cụt. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Tạ Văn Minh (60 tuổi) một nghệ nhân gốm có tuổi nghề gần 50 năm chia sẻ: “Làm nghề này cực lắm chú ơi, tiền chẳng có bao nhiêu. Như tôi đây làm công đoạn khắc, một ngày cố gắng lắm cũng chỉ được khoảng 30 bộ, tiền công 4.000 đồng/bộ. Hồi xưa ít có sự chọn lựa nên mới làm nghề này kiếm sống, chứ bây giờ thiếu gì việc nên tụi nhỏ đâu có theo”.
Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ DN gốm Thái Vinh (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho biết, DN của ông có khoảng 15 công nhân, nhiều lúc tuy không có đơn hàng nhưng cơ sở cũng phải hoạt động rai lai để giữ chân công nhân, bởi bây giờ kiếm được lao động lành nghề rất khó. Làng gốm chỉ còn lại người già và phụ nữ, còn thanh niên trai tráng giờ đi làm công ty, xí nghiệp hết, chẳng ai mặn mà với nghề tryền thống.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Hữu Tấn, chủ một cơ sở gốm khác ở Tân Vạn chia sẻ: “Tình cảnh làng gốm bây giờ khác xưa nhiều lắm, bấp bênh và suy thoái. Đơn hàng thì khó kiếm do cạnh tranh không lại với mặt hàng gốm của Trung Quốc với giá rẻ hơn mình. Nghệ nhân thì ngày càng khan hiếm. Nhiều năm qua có rất nhiều cơ sở gốm do không chịu nổi áp lực đã phải giải thể”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.