Làng Bàu Trúc có hơn 400 hộ dân, trong đó hơn 80% làm nghề gốm truyền thống. Theo sử sách, nghề làm gốm do ông Pôklông Chanh - một trong những vị tổ sư của nghề gốm Chăm từ thời xa xưa - khởi tạo và được dân làng giữ đến ngày nay. Người Chăm ở làng Bàu Trúc có cách làm gốm rất đặc biệt. Nguyên liệu làm gốm là đất sét mịn, độ dẻo cao chỉ ở sông Quao mới có. Sau khi vận chuyển đất về, người dân đập nhỏ, ngâm nước, trùm ủ trước một đêm.
|
Sáng hôm sau, đất được trộn với cát mịn theo tỷ lệ nhất định và nhào nhuyễn. Bí quyết này của người Chăm khiến gốm ra lò luôn bóng mịn, hầu như không sản phẩm nào rạn, nứt. Khác với những làng gốm trên cả nước, gốm Bàu Trúc chỉ làm hoàn toàn bằng tay. Các sản phẩm ở đây chủ yếu là những tháp Chăm, tượng Chăm được mô phỏng, các vũ nữ Apsara, bình hoa ấm nước, nồi niêu, chum vại... đủ kiểu dáng. Khi đã tạo hình xong, sản phẩm gốm được đem phơi nắng 4-6 giờ cho khô, sau đó nghệ nhân Chăm dùng mảnh sứ, nẹp tre để cắt, gọt tỉ mẩn cho sản phẩm trở nên bóng, láng. Sản phẩm gốm lại được để ở trong bóng mát khoảng 5-10 ngày rồi mới nung.
Gốm Bàu Trúc không nung bằng lò, người ta chất thành từng đống, ủ rơm rạ rồi nung thủ công ở nhiệt độ khoảng từ 500-600 độ C. Sau khoảng 4-5 giờ, sản phẩm gốm được lấy ra để phun màu, các nghệ nhân tạo ra các vết màu loang đặc sắc trên từng sản phẩm gốm như: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu… mang đậm dấu ấn của văn hóa Chămpa cổ.
Làng Bàu Trúc rất đỗi bình yên và đâu đâu cũng thấy các sản phẩm gốm. Bạn chỉ cần gõ cửa một nhà dân người Chăm, họ sẽ sẵn lòng hướng dẫn bạn cách làm ra một sản phẩm gốm, từ việc đập đất khô cho tơi, nặn thành hình, trang trí, đến khâu nung sản phẩm. Trải nghiệm tại làng gốm sẽ đem đến cho du khách cảm giác rất gần gũi nhưng cũng khiêm nhường, lặng lẽ đúng như tính cách của người dân. Có cảm tưởng như nơi đây, nghệ thuật và cuộc đời đã gần gũi đến mức hòa quyện thành một.
Nguyễn Chung
Bình luận (0)