Từ một làng thuần nông ở ngoại thành Hà Nội và có nghề làm guốc mộc rất nổi tiếng, thôn Yên Xá (xã Tân Triều, H.Thanh Trì) đang “lên phố” bằng nghề cho thuê nhà trọ với nhiều mặt trái.
Thôn Yên Xá, xưa sống nhờ cây lúa, có giống khoai lang vừa ngọt lại bùi và nghề làm bánh đúc được người Thăng Long ưa chuộng. Cách đây vài chục năm, Yên Xá có nghề làm guốc mộc nổi tiếng khắp miền Bắc. Nhưng tất cả nay chỉ còn trong ký ức.
Đến Yên Xá, hỏi ông Hoàng Thiết Huy, người có nghề làm guốc mộc từ thời Pháp, nhiều người không biết vì họ đều là dân thuê trọ và quan trọng hơn là ông Huy giờ cũng không làm guốc nữa.
Tìm được nhà ông ở xóm Ma Cả, ông Huy cười bảo: “Làng này làm gì còn nghề guốc, may mà có nghề cho thuê trọ, không thì có mà chết đói. Ruộng đất bây giờ không còn, nghề nghiệp khác càng không”.
Yên Xá nay có nhiều cơ quan ở gần nên có nhiều người đã đi làm đến thuê, mức sống theo kịp với thôn Triều Khúc kề bên, từng được ví như nội thành với ngoại thành. Tại đây, giá phòng trọ dao động từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng, rẻ hơn giá phòng trọ cùng loại ở các khu vực lân cận, lại thuận tiện cho việc đi lại.
|
Theo thống kê, cả thôn có 922 phòng trọ với 117 hộ cho thuê trọ, có nhà như ông Ba Tâm, xóm Sân Kho, có tới 2 xóm trọ, trong đó một xóm có tới 30 phòng, trở thành dãy trọ tự quản.
Có nhà xây hẳn chung cư mini như khu nhà 4 tầng gồm 74 phòng của bà Đỗ Thị Phiên. Các dịch vụ ăn theo như hàng tạp hóa, quán ăn... thì không thể tính hết.
Lối vào làng từ đường 70 đã thành đường Yên Xá, hai bên đầy hàng quán mọc lên như nấm, có cả nhà nghỉ, khách sạn. Trong làng nhà được đánh số, hàng thịt có cả trong ngách và xóm nào cũng có quán game.
Bà Đỗ Thị Mùi ở xóm Đình cho biết người trọ và người nơi khác mua nhà đất rồi ở đã chiếm 2/3 số người đang sống trong làng khiến cuộc sống của làng quê này bị đảo lộn. Người dân Yên Xá cũng đã quen với việc làng được lên báo vì những vụ hành hung, gây rối trật tự hoặc trở thành nơi gây án.
Ông Nguyễn Văn Phúc, ở xóm Ma Cả thì kể tên 6 vụ trộm cắp từ đầu năm đến nay nhưng không nhớ kẻ trộm là ai và nhà nào bị mất cắp vì “toàn người tứ xứ”.
Đến khu trọ nhà bà Phiên nêu trên, dòng chữ “không phận sự miễn vào” viết trên tường, trong sân dựng hơn 20 cái xe máy và có cả bảo vệ. Bước vào, chúng tôi bị xua đuổi dù đã nêu rõ lý do tìm đến là để viết báo.
Ở Yên Xá đến đầu giờ chiều, nhiều quán nước bỗng nhộn nhịp. Một quán ở cuối làng có cả một nhóm đánh bài ăn tiền.
“Chơi có 2.000 đồng một cây mà cũng mất mấy trăm nghìn”, một người thua bài than thở với chủ quán. Một người khác bỗng đùa: “Công an kìa!” khiến những người chơi hốt hoảng.
Ông Vũ Vân Long, Trưởng công an xã Tân Triều, cho biết không riêng Yên Xá mà cả xã Tân Triều bị đánh giá là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự vì nhiều nhà trọ, lại giáp ranh với 3 quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai nên tội phạm lợi dụng để hoạt động nhiều.
“Công an xã không được đào tạo bài bản, công cụ hỗ trợ chỉ có dùi cui điện, gậy cao su, trong khi các đối tượng dùng cả súng, kiếm”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, từ đầu năm xã có tới 25 vụ trộm cắp được trình báo, thực tế có thể nhiều hơn.
Hương Huyền
>> Người Hà Nội chê guốc Yên Xá
>> Làng quê ngập rác
>> Đạo tặc ở làng quê
>> Làng quê náo động vì tin đồn cua đinh “thiêng”
>> Đô thị hóa biến nhiều làng quê thành “dị thể”
Bình luận (0)