Làng két sắt

28/02/2012 13:28 GMT+7

Ở Hà Nội, tốc độ đô thị hóa cao khiến nhiều nông dân không còn đất, phải tha phương với những nghề nghiệp khác, nhất là từ khi Hà Tây sáp nhập về Thủ đô. Nhưng không phải đô thị đã đẩy lùi tất cả. Ở một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Hoài Đức, người nông dân vẫn sống “khỏe” trên mảnh đất của mình bằng nghề làm két sắt.

Ở Hà Nội, tốc độ đô thị hóa cao khiến nhiều nông dân không còn đất, phải tha phương với những nghề nghiệp khác, nhất là từ khi Hà Tây sáp nhập về Thủ đô. Nhưng không phải đô thị đã đẩy lùi tất cả. Ở một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Hoài Đức, người nông dân vẫn sống “khỏe” trên mảnh đất của mình bằng nghề làm két sắt.

 
Anh Lại Văn Thắng, 19 tuổi, công nhân của Xưởng cơ khí, kim khí Việt Tiệp đang hàn két.

Chân ruộng, chân xưởng

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, làng Đại Tự (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) từng bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp để phục vụ các dự án công nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết: Để thực hiện dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, đã thu hồi 100ha đất nông nghiệp của người dân xã Kim Chung và 90ha đất nông nghiệp của xã Di Trạch.

Tuy nhiên, hàng trăm nông dân xã Kim Chung vẫn sống “ung dung” tại làng nghề két bạc với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

 
Những chiếc két được hàn khung xong sẽ được chuyển sang giai đoạn bả matit, sơn, lắp khóa... Mỗi tháng, trung bình mỗi xưởng sản xuất vài trăm chiếc két, mang lại thu nhập chục triệu đồng cho công nhân.

Tiếng cắt gọt, rèn, mài tôn, sắt vang lên hầu khắp các gia đình. Hóa ra, ở đây đã hình thành cả một “ khu công nghiệp” chế tạo, phân phối két sắt trên toàn quốc. Năm 1995, ông Đỗ Văn Bản đã đưa nghề làm két sắt về làng, từ đó, người nông dân vừa làm công nhân, vừa kiêm luôn việc đồng áng khi mùa vụ tới.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết: Hồi đó chỉ có khoảng chục lao động, chủ yếu là người địa phương vừa học vừa làm nghề két bạc.

Về sau, ông Bản mở lớp dạy nghề cho nhiều người địa phương. Họ bắt đầu làm những công việc đơn giản như cắt sắt, đổ cát vào phần chân không và đổ bê tông vào các khuôn sắt. Dù vậy, họ vẫn được ông Bản trả thù lao hậu hĩnh.

Vài năm sau xưởng của ông Bản đã thu hút được hàng trăm công nhân xuất thân từ nông dân tại địa phương. Khi đã giỏi nghề hơn, họ ông Bản chuyên sang bộ phận làm khuôn tạo hình, hàn, bả ma tít, sơn, lắp khóa và đóng thùng.

Công việc vừa thiết thực mang lại thu nhập cao, nên người dân không phải tha phương cầu thực dù ruộng ngày càng ít. Thậm chí, Kim Chung còn thu hút nguồn lao động từ các tỉnh, thành khác như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh…

“Khu công nghiệp” két bạc

 

 
Bên trong xưởng cơ khí, kim khí Việt Tiệp, chế tạo két bạc ở làng Đại Tự.

Các cơ sở sản xuất ở đây đều không treo biển hiệu, dấu hiệu để tìm các cơ sở này là tiếng cắt, tiếng gò, ánh lửa phát ra từ que hàn.

Tại cơ sở cơ khí, kim khí Việt Tiệp, ba thanh niên đang gò người cắt, gọt, hàn, xì. Bên cạnh, hàng trăm chiếc két mộc vừa thành hình được xếp ngay ngắn. Nguyễn Văn Dũng (24 tuổi) - công nhân trong xưởng cho biết, mỗi cơ sở sản xuất có công nhân ở hai khâu mộc và hoàn thiện.

Ở khâu mộc, những người như Dũng cắt, gọt sắt, tôn, tạo hình nên những chiếc két, sau đó, chuyển sang xưởng hoàn thiện để sơn, sửa, lắp khóa…

Tổng giá trị sản xuất của xã Kim Chung năm 2011 đạt 101,7 tỷ đồng. Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp- xây dựng chiếm 43,8%, đạt 42,8 tỷ đồng, nông nghiệp chỉ còn lại 14,1% đạt 14,4 tỷ đồng.

Theo Dũng, mỗi ngày, một xưởng khoảng 10 công nhân có thể làm được khoảng chục chiếc két, mỗi tháng trung bình xuất xưởng vài trăm chiếc. Chi phí nguyên, vật liệu chưa kể công để hoàn thành một chiếc két vào khoảng 200.000 đồng, nhưng khi bán ra, giá dao động từ khoảng 900.000 - 2 triệu đồng/chiếc.

Dũng tiết lộ, anh thường nhận đều đều 7 - 8 triệu đồng/tháng, đủ để nuôi cả gia đình và tích cóp tiền cưới vợ. Ở những xưởng lớn hơn, lương tháng có thể hơn 10 triệu đồng. Vào mùa vụ, Dũng lại xuống đồng giúp gia đình cày cấy gặt hái.

Theo lời Dũng giới thiệu, chúng tôi tìm ra “khu công nghiệp” sản xuất két sắt của làng. Tại đây, có khoảng vài chục xưởng sản xuất, tiếng cắt sắt, gọt giũa vang lên ngay bên những ruộng lúa xanh rờn. Hàng ngàn chiếc két mộc, két hoàn thiện dựng ngổn ngang trong xưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Anh cho hay, đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển, kèm với nó là các tủ bảo mật, két sắt chống cháy trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân.

Chính vì vậy, đến nay, làng Đại Tự đã có trên 30 doanh nghiệp, thu hút khoảng 500 nông dân làm công nhân sản xuất két bạc. Đáng nói, tất cả các chủ doanh nghiệp sản xuất két bạc đều xuất thân từ nông dân, sau một thời gian làm công nhân, họ trở nên lành nghề và mở xưởng sản xuất.

Ông Nguyễn Danh Thắng, Trưởng phòng Kinh doanh Cty Kim khí Việt Hàn cho biết: Hiện xưởng có trên 50 công nhân cả nam và nữ, thu nhập trung bình khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Công nhân có tay nghề và đảm nhiệm những chi tiết đòi hỏi kỹ thuật và thẩm mỹ thì thu nhập 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra những người nhận làm theo sản phẩm hưởng theo sản phẩm, chăm chỉ làm việc thu nhập cả chục triệu đồng/tháng. Mỗi ngày Cty cho ra đời 15 - 20 chiếc két. Hàng tháng, sẽ chở két đi phân phối khắp các đại lý trên toàn quốc.

Nói về thị trường làm két bạc ở làng, ông Thắng cho biết, mỗi nhà chế tạo theo một cách, một tiêu chuẩn, chất lượng khác nhau nhưng hầu hết đều áp dụng tiêu chuẩn của Cty két Hà Nội.

Hầu hết người dân ở đây, đặc biệt người làm két, ai cũng biết tới ông chủ Đỗ Văn Bản và coi ông như là ông Tổ của làng két bạc này. Ông Bản tuổi đã cao không còn làm nghề nữa, truyền lại cho người cháu là Nguyễn Bá Chính, hiện giữ vị trí Giám đốc Cty TNHH Kim khí Hà Nội.

 

 
Một công nhân nữ làm đang cắt tôn trong Xưởng cơ khí, kim khí Việt Hàn.

 

Nói về két Hà Nội ở làng, nhiều người không đánh giá cao vì quy mô sản xuất đang thu nhỏ lại. Theo anh Đinh Nhuận Thắng, một công nhân kỳ cựu trong Cty két Hà Nội cho biết, trước đây, xưởng có hơn chục công nhân, giờ chỉ còn 3 - 4 công nhân làm việc.

Tuy nhiên, két Hà Nội vẫn là một thương hiệu, làm bằng các nguyên vật liệu chất lượng và được đăng ký độc quyền về kiểu dáng, kích cỡ, tiêu chuẩn. Két Hà Nội khác biệt hoàn toàn so với các loại két khác là vì thế.

Anh Thắng là một trong những công nhân đầu tiên của xưởng ông Bản. Khi ông Bản dời xưởng về làng Đại Tự, xã Kim Chung, anh Thắng cũng theo và làm từ ngày ấy đến giờ, dù ông Bản đã nghỉ hưu và giao xưởng lại cho người cháu. “15 năm trước, mức lương của tôi đã là 3 triệu đồng/ tháng”, anh Thắng nói.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.