NHỮNG CỤ GIÀ DẺO DAI
Đầu tháng 4, chúng tôi ngược dòng Hương giang tìm đến làng Trúc Lâm (TP.Huế) để tận mục sở thị cuộc sống của người dân ở ngôi làng được mệnh danh "trường thọ". Đang loay hoay ở chân cầu Chợ Thông đầu làng, chúng tôi gặp ông Phan Chung (60 tuổi) đang đi mua cháo cho cha. Cụ Phan Xường, 91 tuổi, cha ông Chung vừa nằm viện trở về.
Thấy khách đến, cụ Xường dõng dạc "mời các chú ngồi". Ở tuổi gần đất xa trời, cụ Xường vẫn minh mẫn, nhớ hết tên tuổi từng người già trong làng. "Lớn lên ở đây, đến cái tuổi này rồi nên còn lạ gì mà… không nhớ? Thậm chí ông nào, con ai, làm nghề gì tôi nhớ hết", cụ Xường nói.
Làng trường thọ xứ Huế: Nơi các bô lão trên 80 vẫn ngâm thơ, làm ruộng
Ông Chung kể, xưa nay cha ông chẳng bệnh tật gì, gần đây bị thiếu máu nên vừa đưa đi viện để truyền máu. "Cách đây vài hôm, ông ấy còn làm cỏ, đạp xe quanh làng. Khỏe cũng bởi cả đời ông lao động, ăn uống thì đơn giản nhưng chủ yếu là đời sống tinh thần vui vẻ, chả phải bận tâm hay lo lắng cho ai", ông Chung cười hạnh phúc khi nói về người cha. Như để chứng minh trí óc còn minh mẫn, cụ Xường đọc tặng một bài thơ về làng: "Làng ta tên gọi Trúc Lâm/Rừng tre rậm rạp, quanh năm chuyên nghề/Sớm khuya bốn xóm đi về/Chuyên canh nghề ruộng thêm nghề củi tranh".
Đoạn, cụ Xường đứng dạy dắt chiếc xe đạp đi quanh sân. "Khi khỏe thì ngồi lên đạp. Lúc mệt thì dắt đi như vậy để làm chỗ dựa, thay vì chống gậy", cụ Xường giải thích. Cụ bảo ngày nào cũng dắt xe đạp đi quanh làng, thăm thú, trò chuyện với bà con lối xóm. "Trước đây, người trên 100 tuổi ở làng này là chuyện thường, nhưng qua 2 năm dịch Covid-19 nhiều người đã ra đi. Giờ người thọ nhất làng là vợ chồng ông Tào Xích 100 tuổi và bà Trần Thị Kiềm 97 tuổi", cụ Xường kể.
Trên quãng đường chúng tôi tìm đến thăm nhà ông Tào Xích, bắt gặp nhiều cụ ông, cụ bà đang vác cuốc, gánh củi từ đồng ruộng trở về. Bà Phạm Thị Nga, 55 tuổi, người con dâu, bảo cha mẹ chồng thương nhau lắm. "Cứ bên nhau vui vẻ cùng con cháu ngày qua ngày mà chả có bệnh tật gì, có ốm vặt thì cũng vài viên thuốc tây là xong", bà Nga nói.
BÍ QUYẾT TRƯỜNG THỌ
Theo ông Phan Văn Nhân, Trưởng ban Điều hành làng, làng Trúc Lâm hiện có hơn 130 người trên 80 tuổi, trong đó có rất nhiều cụ ông, cụ bà hằng ngày vẫn ra đồng làm ruộng. Cuộc sống yên bình nơi làng quê bình dị với không khí trong lành, yêu lao động và đời sống văn hóa giàu tình làng nghĩa xóm là liều "thuốc tiên" cho những người già. "Trúc là tre, lâm là rừng, Trúc Lâm có nghĩa là rừng tre. Xưa kia chốn này yên bình lắm, người dân quanh năm ruộng đồng bên những lũy tre làng. Họ sống thọ cũng bởi không lo toan, thực phẩm tự sản xuất và hít thở bầu không khí trong lành của thiên nhiên", ông Nhân giải thích về danh xưng "làng trường thọ".
Cũng theo ông Nhân, dân làng Trúc Lâm có đời sống tinh thần rất phong phú. "Làng này có 12 họ khác nhau, nên thường có rất nhiều lễ hội... Đời sống văn hóa cũng vô cùng đặc sắc. Thông qua các dịp này dân làng sẽ gắn kết cùng nhau, giữ tình làng nghĩa xóm…". Cụ Tào Xích lý giải ngắn gọn về "bí quyết trường thọ": "Các anh ra đồng sẽ thấy, làng này trên 80 tuổi vẫn đi làm đồng là chuyện thường".
Lạ lùng chất giọng Mỹ Lợi: làng Huế, nói giọng Quảng nhưng gốc xứ Thanh
Thật vậy, trên cánh đồng làng, không thiếu các cụ già ở ngưỡng tuổi xưa nay hiếm vẫn thoăn thoắt nhổ cỏ, cuốc đất. Dưới bóng chiều tà, cảnh các bô lão tuổi ngoài thất tuần lao động hăng say khiến chúng tôi cứ ngỡ họ mới ở độ tuổi tứ tuần. Ông Trần Kính (80 tuổi) khoe rằng ở làng Trúc Lâm những người trên 80 tuổi vẫn còn làm việc ngon lành. "Có nhiều ông ở tuổi tôi, dù kinh tế gia đình khá giả, con cái muốn cha mẹ được nghỉ ngơi nhưng họ vẫn quyết đi làm, chủ yếu để tập luyện cho sức khỏe dẻo dai. Ngày nay, lớp trẻ học hành xong thường đi ra ngoài kiếm việc nhàn hạ, do vậy chuyện lao động ở quê là do những người có tuổi cáng đáng", ông Kính nói.
Ông Kính là người biết rõ nhất "bí quyết" nhờ lao động mà dân làng chẳng cần phải… tốn thêm thời gian thể dục. "Vừa có sức khỏe vừa có lúa gạo, thực phẩm sạch để ăn. Cơm rau đạm bạc, tối về lên giường là ngủ ngon giấc. Vô lo, vô nghĩ đó chính là thuốc tiên", ông Kính dí dỏm. (còn tiếp)
Bình luận