Làng lạ miền Trung: Làng đan lát nhưng giàu nhờ ve chai

31/05/2023 07:35 GMT+7

Người giàu trí tưởng tượng nhất của làng Thọ Đơn chuyên đan lát cũng không ngờ đến một ngày dân làng mình lại bén duyên với nghề ve chai, thậm chí có người trở thành tỉ phú nhờ nghề mới…

CUỘC CHUYỂN MÌNH "LỊCH SỬ"

Làng Thọ Đơn, nay là tổ dân phố Thọ Đơn thuộc P.Quảng Thọ (TX.Ba Đồn, Quảng Bình), hàng trăm năm qua nổi tiếng với nghề đan lát. Các sản phẩm từ mây, tre đan được bàn tay người Thọ Đơn tạo ra từng xuất bán khắp miền Trung.

Nghề xưa vẫn còn dấu tích nơi đây, khi quanh làng Thọ Đơn hiện xanh ngát những hàng tre, có bụi phải vài chục năm tuổi, rậm rạp. Ông Đoàn Xuân Vương, tổ trưởng tổ dân phố Thọ Đơn, kể rằng tre ở đây dân trồng để phục vụ cho việc đan lát, trước đây không rậm rạp như thế này bởi người dân thường xuyên khai thác lấy nguyên liệu. Những năm gần đây, đan lát không còn là nghề duy nhất, tre ít bị chặt phá. "Nghề đan lát ở Thọ Đơn đã qua thời hoàng kim rồi. Người dân không dành trọn ngày, trọn giờ để chăm chăm làm cái mẹt, cái thúng. Từ khi biết nghề thu gom ve chai mang lại hiệu quả kinh tế hơn, họ dành thời gian nhiều hơn cho nghề mới này. Hiện trong làng vẫn có người sáng đi thu gom ve chai, chiều mới tranh thủ mang đồ nghề ra đan", ông Vương nói.

Làng lạ miền Trung: Làng đan lát nhưng giàu nhờ ve chai - Ảnh 1.

Kho hàng của gia đình chị Loan tấp nập người đến mua bán

BÁ CƯỜNG

Khi nghề đan lát không còn mang lại sự no đủ, người làng Thọ Đơn đã chuyển đổi rất nhiều nghề. Có người làm mộc, có người làm thợ xây, có người trở thành ngư dân hoặc đi xuất khẩu lao động. Nhưng theo ông Trần Văn Hùng, tổ phó tổ dân phố Thọ Đơn, lượng người chuyển sang nghề "ve chai" là đông nhất. Ông Hùng nhẩm tính, làng Thọ Đơn hiện có hơn 700 hộ thì hết khoảng 300 hộ có liên quan đến nghề ve chai. "Họ không phải là chủ vựa ve chai thì cũng là người làm công cho chủ vựa, không phải là người làm công thì cũng là người trực tiếp rong ruổi khắp nơi thu mua ve chai", ông Hùng cho biết.

Làng lạ miền Trung: Làng đan lát nhưng giàu nhờ ve chai - Ảnh 2.

Tổ trưởng Đoàn Xuân Vương cũng làm thêm nghề thu mua ve chai

TÍCH TIỂU THÀNH ĐẠI

Theo ông Đoàn Xuân Vương, nghề ve chai bén duyên với dân làng Thọ Đơn gần 30 năm, không quá dài nhưng cũng không quá ngắn. Hàng chục năm trước, nhiều người Thọ Đơn khởi nghiệp với chiếc xe đạp cũ, phía sau móc thêm 2 chiếc sọt tre để rong ruổi khắp nơi. Ngày nay, mỗi buổi sáng nhiều người Thọ Đơn cũng khởi đầu hành trình thu gom ve chai như vậy, nhưng đã có sự khác biệt về phương tiện. Họ lên đời với xe máy, thậm chí là ô tô tải, để đi được xa hơn, đến TP.Đồng Hới hay các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, thu gom được nhiều phế liệu hơn… Cuối ngày, họ lại quay về với làng Thọ Đơn, nơi có cả chục vựa ve chai lớn.

Dần dà, nhiều hộ dân tại làng Thọ Đơn đổi đời. Thọ Đơn ngày nay ngoài đường sá được nhà nước đầu tư rộng rãi còn có những ngôi nhà cao tầng, thậm chí là những ngôi biệt thự, dù cạnh bên vẫn ngổn ngang ve chai. Chị Đoàn Thị Loan (39 tuổi) dùng khoảng sân vườn rộng rãi để biến thành một vựa phế liệu bừa bộn ngay bên cạnh ngôi nhà khang trang. Vựa phế liệu của gia đình chị Loan thuộc nhóm lớn nhất trong làng, với đủ món hàng từ ti vi, tủ lạnh, khung xe đạp, xe máy cho đến những vụn sắt, vụn đồng. Cứ đến giờ cơm trưa hoặc chập tối, vựa phế liệu này tấp nập người, xe vừa gom hàng về bán lại. "Vợ chồng tôi theo nghề được khoảng 20 năm, cũng là một trong những gia đình tiên phong theo nghề ve chai. Giờ to nhỏ gì tôi cũng gom hết, cứ gom đủ mấy chục tấn lại vận chuyển bán ra các tỉnh thành phía bắc", chị Loan tiết lộ.

Làng lạ miền Trung: Làng đan lát nhưng giàu nhờ ve chai - Ảnh 3.

Những căn nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn từ khi người dân Thọ Đơn đổi qua làm nghề ve chai

Gia đình anh Nguyễn Văn Thuấn, 43 tuổi, chủ vựa ve chai khác ở Thọ Đơn, cũng theo nghề ve chai gần 20 năm. Trong làng, nhiều gia đình dùng 2 - 3 chiếc xe tải để đi thu gom ve chai, gia đình anh cũng mạnh dạn sắm 1 chiếc. "Từ một người thu gom nhỏ lẻ, đến nay tôi đã cố gắng xây dựng để trở thành đại lý cho bà con đến bán hàng. Tất cả cũng nhờ "tích tiểu thành đại". Nhưng dù đã có vựa lớn rồi, tôi cũng thường đánh xe đi về TP.Đồng Hới để thu mua ve chai", anh Thuấn nói.

Không nhận mình có tiền tỉ, anh Thuấn chỉ nhận mình là "trùm tiền lẻ". Đồng tiền thu về từ nghề ve chai cũng nhàu nát như món hàng mà họ đang mua đi bán lại, thậm chí còn đẫm mồ hôi. Nhưng với anh Thuấn, tiền nào cũng có giá trị như nhau, miễn là do làm ăn ngay thẳng mà có. Nhìn người đàn ông trung niên đen đúa đang mặc chiếc áo bảo hộ bạc màu, túi tiền đeo chéo bên hông và đứng giữa đống ve chai, ít ai tin Nguyễn Văn Thuấn là tỉ phú. Nhưng anh chính là một tỉ phú ve chai ở làng Thọ Đơn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.