Lãng mạn trên cầu Thị Nại

17/05/2008 16:30 GMT+7

Chiếc cầu được báo chí gọi là "cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á" này mang tên Thị Nại, sau một cuộc trưng cầu dân ý. Thị Nại, quả là không có tên gọi nào xứng đáng hơn! Đứng giữa cầu hơn hai mươi mét so với mặt nước trông vời bốn hướng Thị Nại của non thanh thủy tú, của nghìn năm lịch sử, địa lý, văn hóa với những biến thiên vật đổi sao dời, vói tay vớt một cụm mây trắng miên viễn bất chợt mà một chút rợn ngợp, mơ màng về cái mỏng mảnh diệu kỳ của nườm nượp tồn tại và hy vọng.

Không cần những thêu dệt truyền kỳ về tháp Thầy Bói dập dờn trên sóng nước, về bãi Nhạn mờ xanh, về ông Rái cứu vua Gia Long, bà Cố Hỷ nuôi trâu, con cù Khe Đá cựa mình cát bồi đất sụt, chợ đêm Cách Thử người - ma lẫn lộn... (cái tâm lý đến một vùng đất lạ nghe "tương truyền" đã nhàm đối với du khách), Thị Nại, với sử sách và thực tế đã quá mê hoặc lòng người.

Thị Nại (tên cũ là Thi-Lị-Bi-Nại, Hạc Hải đàm) đã có cả nghìn năm những trận thủy chiến bi hùng. Từ thế kỷ XI lúc ông hoàng thứ 8, Oai Minh Vương triều Lý vào giúp vua Chiêm Thành dẹp loạn đến trận kịch chiến cuối cùng sau 10 năm giằng co giữa quân Tây Sơn và Nguyễn (1792- 1801), hàng vạn chiến thuyền đủ kiểu dáng, cờ hiệu: Chiêm Thành, Lý, Trần, Hồ, Lê, Tây Sơn, Nguyễn... đã bốc cháy, đã tan tác chìm sâu trong lớp lớp sóng xanh cùng hàng chục vạn chiến binh đối đầu sinh tử. Những áng mây mang hình cánh buồm thủy quân trôi vào các trang vở học trò khuất xa yên tĩnh, mặt đầm lặng sóng lại biếc xanh, bí ẩn. Và kia phía bắc đầm, dãy núi cát trắng lóa dài hơn bảy cây số cổ nhân gọi là Trường Châu Lãnh (núi Bãi Dài) trời lấp khi nhà Tây Sơn đổ như một minh chứng của bể dâu, cuộc "hàn cửa" thần sầu khiến đầm Thị Nại thành một vũng biển kín gió khi dãy Triều Châu thành bán đảo Phương Mai che chắn cho một Quy Nhơn tương lai...

Cây cầu hôm nay vươn qua như một cánh tay neo giữ, như cuộc tiếp nhận đầy hàm ơn trời đất khi vùng bán đảo chạy dài đang dần hình thành khu công nghiệp lớn với cảng biển nước sâu, và vùng biển xa cửa sông trong xanh suốt vài chục cây số cho du lịch nghỉ dưỡng. Cuộc trời làm chỉ trong sử sách nhưng cây cầu là cuộc người góp phần, như trong mơ. Mươi, mười lăm phút, người bán đảo đã vào tới trung tâm thành phố. Chợt nhớ nhà thơ Xuân Diệu, người con của vạn Gò Bồi: "Nơi tôi sinh đó chao ôi nhớ/Nằm một đêm đò sáng tới nơi" (Nhớ Quy Nhơn). Đừng nói chi con cháu sau này, đứng trên cầu dõi mắt về phía xa mờ cửa sông Côn rồi quay nhìn thành phố trẻ trung duyên dáng cũng khó hình dung những con đò ngược xuôi Thị Nại mỗi vòng ngót đêm. Đầm thì vẫn dài rộng vậy nhưng giờ muốn về nơi tuổi nhỏ của "ông hoàng Thơ mới", lộ trình đã ngắn tày gang.

Hãy cùng ngắm chiều trên đầm Thị Nại, một buổi chiều dịu nắng trên từng chòi rớ cháo chát nhạn biển. Hãy ngắm bạt ngàn rừng cây đặc chủng mắm, sú hăm hở xanh như một niềm yêu dâng tặng. Và xa kia, cồn Chim đang lấp lóa những cánh cò. Tất cả của tổng thể rừng ngập mặn sinh quyển đang được bảo vệ. Như một sự biết điều, khiêm tốn của con người sau những kiêu ngạo và riết róng đối với thiên nhiên. Rừng cây và những cánh chim yên bình bên náo nức, hối hả nhịp điệu vươn lên giàu có thịnh vượng. Tất cả chỉ cách trung tâm Quy Nhơn 5 phút xe máy.

Nhà văn A-bu-ta-lip từng viết "chỉ có núi mới sánh được vẻ đẹp của biển". Ông có thể sẽ còn nhiều cảm xúc hơn khi cùng chúng tôi chiều nay trên cầu Thị Nại, với chung quanh núi và biển, phố và rừng, giữa quá khứ - hiện tại - tương lai của một vùng đất chất ngất những huyền tích, hiện thực và mơ ước. Và khi mặt trời chen núi, khi những cánh cò trắng đã mơ hồ về tổ, những ngư hữu đã yên vị trên cầu buông cần rong róc ống, đón những con mú con hồng ăn nước lên, chẳng cần một chút cường điệu nào bạn cũng thấy rằng, đã có một buổi chiều thực sự!

Lê Hoài Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.