Âm vang của chữ gồm 250 trang dày dặn được chia làm 3 phần, gồm Chân dung một số nhà văn tiêu biểu sống và sáng tác trên đất Khánh Hòa; Từng ngày từng chữ vang vọng; Mùa xuân ngân vang trong chữ.
Ở phần chân dung, Chế Diễm Trâm đã viết về 7 nhà văn tiêu biểu sống và sáng tác trên đất Khánh Hòa. Với ngôn ngữ đằm thắm, dung dị, tác giả đã có một cách dựng “chân dung” rất riêng. Đó là chị chọn cách đi từ tác phẩm cụ thể của nhà văn để làm nổi bật lên con người và sự nghiệp. Bởi chị quan niệm với nhà văn, tác phẩm chính là con người của họ. Nói cách khác, văn chính là người. Đó là một cách tiếp cận khách quan và không áp đặt, dễ thuyết phục được bạn đọc khi muốn tìm hiểu về một tác giả.
Giang Nam là một chân dung điển hình trong Âm vang của chữ được Chế Diễm Trâm đề cập đến đầu tiên và dài hơi nhất. Chị đã đầu tư nhiều bút lực khi nói về tác phẩm và sự nghiệp sáng tác của ông. Xuyên suốt những trang viết về Giang Nam, Chế Diễm Trâm đã khắc họa được ông là một nhà thơ suốt cuộc đời đi theo cách mạng. Thơ Giang Nam đi vào sách giáo khoa từ rất sớm nên các thế hệ học sinh không ai không biết đến ông với những tác phẩm rất quen thuộc như Quê hương, Nghe tin em vào đại học… Vì thế Giang Nam không chỉ là nhà thơ lớn của Khánh Hòa mà ông còn là nhà thơ lớn của cả nước. Về điểm này, Chế Diễm Trâm đã có một khái quát rất xứng đáng về ông: “Điều đáng nói nhất là đọc thơ Giang Nam, ta có thể hình dung chính con người nhà thơ – một tâm hồn, một tính cách rất chân thành, chân tình, chân chất, chân mộc…”. Đó là 4 chữ “chân” về một Giang Nam - thơ và người mà không phải ai cũng có được. Đánh giá cao thơ của Giang Nam cũng là đánh giá cao tấm lòng yêu nước thương nòi của một nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp với những cống hiến to lớn. Chân dung Giang Nam là một thành công của Chế Diễm Trâm trong cách tiếp cận nhà văn từ những tác phẩm cụ thể.
Ở chương viết về nhà văn Cao Duy Thảo, tác giả Chế Diễm Trâm lại tiếp cận từ xu hướng nghệ thuật của một cây bút thuộc lớp nhà văn chủ lực trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với cách dựng chân dung của Chế Diễm Trâm về Cao Duy Thảo, độc giả thấy rõ ông là một người đa tài trong sáng tác. Tuy sở trường ở thể loại truyện ngắn nhưng ông còn có những đóng góp và thành công đáng kể ở thể loại tiểu thuyết và cả về tùy bút, thơ. Ở thể loại nào Cao Duy Thảo cũng là một nhà văn đàn anh chững chạc của lớp nhà văn đông đảo thời chống Mỹ. Chất “đàn anh” của Cao Duy Thảo thể hiện ở đánh giá mang tính khái quát của Chế Diễm Trâm: “Ông là người giỏi ngôn ngữ với một kho ngôn từ văn học trong sáng, phong phú, rất đời nhưng cũng rất thơ”. Với một nhà văn tiếng tăm như Cao Duy Thảo, điều đó rất xứng đáng và rất đáng để tự hào.
Ở những nhà văn còn lại trong phần chân dung, Chế Diễm Trâm cũng đã thể hiện được một cái nhìn bao quát mà vẫn không kém phần cụ thể về đặc điểm sáng tác của họ. Mỗi nhà văn được tiếp cận từ một "cái view" khác nhau và vì thế họ hiện lên với những chân dung rất cá tính. Trần Vạn Giã với cảm thức rất dân dã, Lê Khánh Mai với đi suốt dọc theo một hành trình bứt phá để cách tân trong thơ nhưng vẫn rất đằm thắm và tràn đầy nữ tính. Trong lúc Hoàng Nhật Tuyên lại được Chế Diễm Trâm xem là nhà văn của những mảnh đời cần được bênh vực còn Trần Chấn Uy là một nhà thơ soi bóng trong dòng sông của sự hoài niệm với vẻ đẹp của câu chữ và con người. Tất cả họ, những chân dung rạng ngời ấy đã làm nên một nền văn học phong phú và đa dạng của vùng đất xứ trầm hương. Đó là một đóng góp đáng kể từ những chân dung nhà văn mà Chế Diễm Trâm đã kỳ công dàn dựng qua những trang viết trong Âm vang của chữ.
Ở phần 2 của cuốn sách – Từng ngày từng chữ vang vọng, được xem là những tiểu luận nghiên cứu khoa học về văn học đáng kể của Chế Diễm Trâm. Đây là những tác phẩm văn học đã được khẳng định qua năm tháng dưới một cách tiếp cận theo hướng lấy ý nghĩa nội dung của tác phẩm làm thước đo giá trị. Từ những chương viết trong phần này, Chế Diễm Trâm đã xem Độc tiểu thanh ký của Nguyễn Du là “tiếng khóc thấu trời của một trái tim nhân đạo lớn”; xem thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương là tiếng nói phản kháng mãnh liệt nhưng “đó cũng là tiếng lòng của một người phụ nữ cô đơn, sầu tủi, do thân phận làm lẽ, góa bụa, hứng chịu nhiều bất công, ngang trái”. Đó chính là cách nhìn nhận đồng cảm, đồng điệu rất phụ nữ của Chế Diễm Trâm về nữ thi nhân Hồ Xuân Hương trong Tiếng nói phản kháng mãnh liệt trong thơ Hồ Xuân Hương.
Không dừng lại ở văn học cổ điển, cuốn sách của Chế Diễm Trâm còn viết về văn học hiện đại với Tản Đà từ bài thơ Hầu trời hiện có trong chương trình ngữ văn lớp 11 để đi đến kết luận: Tản Đà là nhà thơ của thời buổi giao thời, ông là “một gạch nối giữa hai thời đại văn học của dân tộc: trung đại và hiện đại”. Ở lớp nhà văn mang ý nghĩa “gạch nối” này, Chế Diễm Trâm còn viết về Quách Tấn với một đánh giá rất mạnh bạo, xem ông là một “sứ giả đời Đường của một thời đại trong thi ca”; hoặc phát hiện chất thơ từ truyện ngắn nổi tiếng Tôi đi học của Thanh Tịnh; xem Chế Lan Viên qua tác phẩm Điêu tàn là “một tài năng không đợi tuổi”. Cũng ở phần 2 của sách, Chế Diễm Trâm thêm một lần nữa khẳng định Nguyễn Xuân Sanh là “một trong những nhà thơ tượng trưng tiêu biểu của phong trào Thơ mới”… Đó là những nghiên cứu mang tính khoa học và khách quan của Chế Diễm Trâm về nhà văn và tác phẩm, có ý nghĩa lớn trong việc góp phần khẳng định và nhìn nhận lại vị trí của tác phẩm văn học và các tác giả trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Phần cuối của cuốn sách được Chế Diễm Trâm dành để nói về chủ đề mùa xuân trong thơ của Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Vũ Bằng và Phạm Thiên Thư. Đây là một phát hiện đáng kể của Chế Diễm Trâm dưới con mắt của nhà nghiên cứu văn học, một nhà nghiên cứu trưởng thành từ nền móng với xuất phát điểm là một giáo viên văn học có nhiều năm đứng trên bục giảng trung học phổ thông.
Thực ra mà nói, phần 2 và phần 3 của cuốn sách có thể gộp vào làm một phần, bởi suy cho cùng, đó cũng chính là sự đánh giá những tác phẩm và tác giả tiêu biểu trong thời kỳ văn học hiện đại của nước nhà dưới góc độ nghiên cứu về nội dung và nghệ thuật ngôn từ của những tác phẩm cụ thể. Tuy nhiên, Chế Diễm Trâm đã tách làm 2 phần và nhờ thế, chủ đề của cuốn sách được tách bạch rõ ràng hơn.
Nói như thế cũng là để nói về thế mạnh của Chế Diễm Trâm khi chị viết Âm vang của chữ. Nghiên cứu và cảm thụ văn học là hai mặt không thể tách rời khi viết về chân dung nhà văn và nghiên cứu, phê bình tác phẩm. Với Âm vang của chữ, Chế Diễm Trâm đã rất thành công khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu và cảm thụ văn học. Và đó cũng là thành công của Chế Diễm Trâm từ Âm vang của chữ.
Bình luận (0)