Lắng nghe 'người nuôi tôm'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
02/03/2021 06:25 GMT+7

Không ít người dân nuôi tôm ở xã Hưng Thành (H.Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) và xã Gia Hòa 2 (H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) bộc bạch với tôi rằng họ mong muốn cán bộ địa phương “chịu khó” quan tâm nhiều hơn tới đời sống của họ.

 Tôi từng nghe nhiều cơ sự, nỗi lòng của người nông dân nuôi tôm “nội địa” (nuôi tôm nhờ hệ thống thủy lợi là các kênh, mương nội địa - PV) quanh vùng ngã ba rạch Vàm Lẽo - sông Bạc Liêu. Nhưng khi thực hiện loạt phóng sự Ăn sương ngủ gió, tôi mới thấu hiểu đời sống nuôi tôm “cười lẻ, khóc thầm” của họ.
Hai huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) và Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đều nằm trong số những khu vực nuôi tôm trọng điểm tại ĐBSCL. 20 năm từ khi cơn sốt nuôi tôm bắt đầu, sinh kế hàng chục ngàn người phụ thuộc vào những đồng tôm. Đã có hộ đổi đời sau những vụ trúng tôm nhưng cũng không ít người trắng tay liên tiếp.
Chưa tính đến những chính sách vĩ mô như trợ giá thức ăn, nhân rộng mô hình nuôi tôm mới hay đánh giá toàn diện về sự chuyển biến nghề nuôi tôm trong tình hình biến đổi khí hậu..., trước hết, người dân cần những điều “quan tâm” cụ thể. Chẳng hạn như được hướng dẫn nhận biết các nguồn giống “tôm lang” (tôm không gõ nguồn gốc), hay được tập huấn để giảm thiểu rủi ro các tai nạn trên đồng...
Khi tôi đặt vấn đề với một vị cán bộ xã thuộc H.Vĩnh Lợi, rằng liệu có biện pháp cụ thể nào triển khai trong dân không, khi những năm qua, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn... đã ảnh hưởng nặng nề đến nghề nuôi tôm. Vị cán bộ trả lời ấp úng, bảo xã đa phần chỉ triển khai theo chỉ đạo từ cấp trên xuống...
Là chính quyền cấp cơ sở, gần dân nhất, lãnh đạo cấp xã, huyện nên mạnh dạn chủ động nắm bắt thực tế tình hình nuôi tôm ở địa phương mình, cũng như nguyện vọng của người dân để phản ánh, đề xuất với cấp trên. Từ đó mới có thể xây dựng kế hoạch hỗ trợ quản lý. Bài học gần dân, thấu hiểu người dân chưa bao giờ cũ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.