Ăn sương ngủ gió: Ám ảnh 'cơ trời'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
28/02/2021 06:11 GMT+7

Con tôm đã giúp biết bao gia đình tại xã Hưng Thành (H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) và xã Gia Hòa 2 (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đổi đời nhưng không ít lần trước 'cơ trời', người nuôi tôm chịu cảnh trắng tay liên tiếp.

Rủi ro “nuôi nước”

Mục sở thị tại hàng chục vuông tôm tại khu vực xã Hưng Thành, xã Gia Hòa 2, đâu đâu cũng nghe người dân than tôm biếng ăn vì suốt tết này gió nhiều, trời lạnh. Nỗi chật vật nước mặn không thể trồng trọt từ xưa nay chưa bằng nỗi lo thời tiết, bệnh hại trên tôm.
Ông Phạm Minh Dương (chuyên nuôi tôm và phân phối giống tôm tại hai khu vực này) cho biết mấy năm qua thời tiết, khí hậu khó lường, thay đổi điển hình nhất là ngày thì càng nóng và mùa mưa đến trễ...
“Tôm biến nhiệt. Nhiệt độ của nó thay đổi theo môi trường nước nhưng tôm cũng có mức nhiệt độ thích hợp. Nắng nóng kéo dài làm tôm giảm miễn dịch, chán ăn, chậm lớn, có khi chết hàng loạt, nhất là với tôm mới thả chừng 20 ngày”, ông Dương nói và cho biết thêm: “Trong dân gian, người ta bảo nuôi tôm thật ra là nuôi nước. Lúc trước, cỡ tháng 3, tháng 4 trời đã mưa nhiều nhưng mấy năm mưa trễ đến tháng 5, tình hình xâm nhập mặn cũng nặng nề”.
“Dù xâm nhập mặn tác động trực diện tới trồng trọt như lúa, cây ăn trái... nhưng với tôm cũng ảnh hưởng nặng vì tôm cũng có ngưỡng độ mặn thích hợp của riêng nó. Độ mặn giảm đột ngột, tôm dễ bị sốc môi trường, dễ chết”, ông Dương giải thích.
Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu “than” năm 2020 tại tỉnh Bạc Liêu khí hậu biến đổi khó lường, thời tiết cực đoan. Những tháng đầu năm nắng nóng, độ mặn tăng cao trên 35‰, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thả giống. Chưa kể, từ tháng 9 - 11 lại gặp tình trạng mưa bão liên tiếp kéo dài, làm lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến môi trường trong ao nuôi tôm biến động lớn.
Ăn sương ngủ gió: Ám ảnh 'cơ trời'1

Kiểm tra chất lượng nguồn nước là việc làm thường xuyên của các hộ nuôi tôm

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

“Có cuốn sổ ­không ai mong có…”

Hôm mùng 9 tết, ông T. (ngụ xã Hưng Thành) đem sổ “ghi nợ” đến nhà một cơ sở bán thuốc men cho tôm để mua vài loại men, vôi. Ông nói không chỉ riêng ông có cuốn sổ đó, mà rất nhiều người ở khu vực này cũng có vì các hầm (vuông) tôm chết do bệnh hại đã phải cầm cố, nợ vài trăm triệu các chủ cửa hàng bán thức ăn cho tôm.
“Nợ trước, khi nào tôm trúng (nuôi đạt năng suất cao) sẽ thanh toán một lượt. Nhưng có năm quần quật ngoài đồng, khi xổ (thu hoạch) tôm vẫn không trả đủ phân nửa tiền đã thiếu, không dám ra ngoài đường. Tiền thức ăn ngày càng cao trong khi dịch bệnh ngày càng nhiều. Có cuốn sổ không ai mong có, đó là… sổ nợ”, ông T. chia sẻ và cho biết thêm, dẫu đời sống khấm khá hơn và không ít hộ đã đổi đời nhờ việc nuôi tôm, nhưng cũng không ít cảnh trắng tay, đổ nợ liên tiếp.
Phân trắng, đỏ thân, đầu vàng, đặc biệt là hoại tử gan, tụy cấp làm tôm chết sớm... là những căn bệnh “ám ảnh” nhà nông. Nhiều hộ nuôi tôm lắc đầu khi thấy thời tiết biến đổi, vì những lúc này, mầm bệnh, vi khuẩn, tảo độc trong nước “như ngư đắc thủy”. Trong khi đó, đa số hộ nuôi tôm bằng ao đất, bệnh rất dễ lây lan.
Ăn sương ngủ gió: Ám ảnh 'cơ trời'2

Con tôm chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố môi trường như nhiệt độ, lượng mưa...

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Anh L.V.B (một hộ nuôi tôm tại xã Gia Hòa 2) bảo anh sợ nhất là cặp “độ mặn cao và nhiệt độ cao”, tôm dễ bị bệnh hoại tử gan, tụy. Gần đây, nhiều hộ nuôi rất khiếp đảm với những vuông tôm “phát sáng”. Bởi đó là tín hiệu không hay, cho thấy độ mặn trong nước đã quá ngưỡng 20‰. Lúc này, tôm hay chán ăn, rồi chết rải rác.
Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết tình hình thiệt hại trên tôm tập trung vào giai đoạn chuyển mùa, trong đó tác nhân chính là yếu tố môi trường (sốc môi trường, khí độc, thiếu ô xy...), dịch bệnh như hoại tử gan, tụy cấp, đốm trắng, phân trắng... Đặc biệt, bệnh hoại tử gan, tụy cấp, bệnh phân trắng và vi bào tử trùng có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Rút được kinh nghiệm từ những vụ thất tôm (mất mùa), hiện nay rất nhiều hộ đã chuẩn bị cho mình ao lắng (ao dự trữ nước ngọt), phòng độ mặn cao hơn sẽ bơm, cấp vào ao nuôi. Còn độ mặn trong ao nuôi thấp, họ sẽ dùng thuốc, hóa chất, vôi...
Liên quan đến hiệu quả của mô hình nuôi tôm trước tình hình biến đổi khí hậu, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết năm vừa qua, mô hình tôm thẻ siêu thâm canh đạt năng suất bình quân gần 22 tấn/ha (tỷ lệ lời 68%, lỗ 12%, còn lại hòa vốn); mô hình tôm thẻ thâm canh, bán thâm canh đạt 4,23 tấn/ha (lời 38%, lỗ 30%). Có thể thấy mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh trong ao đất hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, mô hình siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tỷ lệ thành công rất cao và có khả năng thích ứng cao hơn. Vì vậy, hướng tương lai nên nhân rộng và khuyến khích mô hình này.
Vai trò tiên quyết của con giống
Nhiều hộ nuôi tôm khuyến cáo việc chọn giống tôm chất lượng đầu vào chiếm vai trò cực kỳ quan trọng trước thiên tai, dịch bệnh phức tạp. Hiện nay, có rất nhiều hộ chọn thả giống tôm lang (tức tôm không chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng) chỉ vì loại giống này thường có giá thấp hơn từ 5 - 10 đồng/con so với thị trường và được khuyến mãi “hời” tới 100%... Loại tôm lang không có sức đề kháng tốt, rất dễ bệnh, chết hàng loạt.
Một hộ chuyên nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng cho biết nhờ con giống chất lượng, năm rồi bán được 144.000 đồng/kg với 2,2 tấn tôm, đủ trả hết nợ nần. Năm trước nữa do lấy tôm giống thả lang, chưa được 20 ngày nuôi thì tôm chết. Do vậy, việc chuẩn bị nguồn nuôi chất lượng sẽ là “tấm khiên” tiên quyết để bảo vệ người nuôi tôm.
Trở ngại ở kênh nội đồng
Địa phận xã Hưng Thành (H.Vĩnh Lợi) có nhiều con kênh, rạch chằng chịt từ rạch Vàm Lẽo như kênh Xáng, kênh Hưng Thành. Còn tại xã Gia Hòa 2, nguồn nước chính cũng từ kênh Cà Lăm, kênh Thạnh Mỹ... Hệ thống kênh sông nội địa này có thủy văn, thổ nhưỡng phức tạp. Chẳng hạn, việc xâm nhập mặn sẽ chịu tác động từ một bên là biển Tây (kênh rạch thông với sông Cái Lớn, sông Ông Đốc...), một bên là Biển Đông ở cửa Mỹ Thanh, Gành Hào. Trong đó tác động xâm nhập mặn lớn nhất từ sông Mỹ Thanh vì mực nước sông này dao động theo triều ngoài biển và lưu lượng nước sông Mê Kông chảy vào cuối nguồn sông Hậu.
Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho hay những kênh nội đồng thường có chỉ tiêu ô xy hòa tan thấp hơn khoảng giá trị cho phép và cường độ xuất hiện tảo độc cao hơn do lưu thông nước kém; độ mặn thấp hơn khoảng cho phép vì mưa lớn kéo dài. Ngoài ra, mật độ vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (gây hoại tử gan, tụy ở tôm, mật độ vi khuẩn này cao hơn khi trong môi trường có độ mặn cao) thường cao vào mùa nắng, giảm vào mùa mưa, đồng thời sẽ cao hơn ở khu vực phía nam quốc lộ 1. Vì vậy, nạo vét các tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng là việc cần thiết và diễn ra thường xuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.