Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Thấy lá mai rơi biết tết cận kề

30/01/2024 07:37 GMT+7

Đầu tháng 12 âm lịch, các làng mai ở TX.An Nhơn (Bình Định) hối hả vào vụ tết. Đây là mùa cao điểm của việc chăm sóc, cũng như thu hoạch thành quả sau 1 năm chăm bón mai kiểng.

Mùa lặt lá mai

TX.An Nhơn có khoảng hơn 10.000 hộ dân trồng mai kiểng, đây cũng chính là thủ phủ mai kiểng của miền Trung. Hằng năm, số tiền bán mai của TX.An Nhơn đạt hơn 100 tỉ đồng.

Những ngày cuối năm 2023, các hộ dân trồng mai kiểng ở TX.An Nhơn làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp đưa mai ra thị trường tết. Chạy dọc tuyến QL1 qua TX.An Nhơn, không khó để bắt gặp cảnh người dân đang lặt lá mai để cây cho hoa kịp Tết Nguyên đán.

Đến hẹn lại lên, khi vừa kết thúc vụ lúa đông xuân, chị Nguyễn Thanh Tú (ở xã Phước Thắng, H.Tuy Phước, Bình Định) cùng một số phụ nữ trong xóm đến các làng mai tại TX.An Nhơn để làm việc. Công việc của chị Tú và các chị em là lặt lá các cây mai kiểng để bán tết. Công việc nghe tuy đơn giản, nhưng những người lặt lá mai phải đứng từ sáng đến chiều để lặt lá, thậm chí có những hôm làm việc luôn cả buổi tối. Mỗi ngày công, chị Tú được nhận từ 150.000 - 200.000 đồng.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Thấy lá mai rơi biết tết cận kề- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tấn Đạt (ở Quảng Ngãi) trẩy lá mai để ra hoa kịp Tết Nguyên đán 2024

HẢI PHONG

Bà nội trợ nhọc nhằn 'đường đua' kiếm tiền sắm tết: Phơi mình dưới nắng lặt lá mai

Chị Tú chia sẻ: "Lặt lá mai cũng cần phải có kỹ thuật, phải quen tay lặt mới nhanh được. Thường thì những lúc mới tập lặt lá sẽ làm chậm hơn và dễ làm gãy cành, gãy nụ hoa. Nếu đã quen tay thì đến mùa này cũng có thêm ít thu nhập".

Không riêng chị Tú, đến mùa này rất nhiều người dân ở TX.An Nhơn và huyện lân cận tìm đến các làng mai để lặt lá thuê. Có những người tập hợp thành nhóm, nhận luôn cả vườn mai để lặt lá. Có những nhóm lặt lá mai lên đến 20 người.

Là chủ của vườn mai có vài nghìn gốc, anh Nguyễn Xuân Tình (ở làng mai Thanh Liêm, xã Nhơn An, TX.An Nhơn) gần như không thể tự mình chăm sóc được. Vì vậy cứ đến mùa cận tết, anh lại đi thuê người lặt lá mai. Năm nay, anh Tình phải thuê đến 6 người để lặt lá với mức tiền công 160.000 đồng/ngày cho mỗi người.

Vì nghề lặt lá mai đã gắn liền với tết và là một nét truyền thống của thủ phủ mai kiểng miền Trung, nên ở Bình Định nhiều người dân vẫn thường đùa rằng "thấy lá mai rơi là biết tết đã cận kề".

Trắng đêm canh mai

Để đưa một chậu mai kiểng ra thị trường, công chăm sóc khó hơn mọi người vẫn tưởng. Đặc biệt là vào cuối năm, khí hậu thay đổi thất thường. Mỗi năm, thời tiết mùa cận tết mỗi khác, vì vậy cách chăm mai cũng phải tùy cơ ứng biến. Đó là những chia sẻ của các nhà vườn trồng mai kiểng ở TX.An Nhơn.

Tại làng mai Thanh Liêm, một trong những làng mai lớn nhất ở thủ phủ mai kiểng, người trồng mai phải làm việc luôn cả buổi tối để chăm sóc mai.

Những ngày gần đây, các chậu mai chất lượng đã được người dân đưa ra các khu đất trống ở gần QL1 để chào bán. Đây chính là truyền thống hằng năm của người dân TX.An Nhơn. Điều này đã tạo nên một không khí vô cùng nhộn nhịp, khiến bất kỳ ai đi ngang qua cũng cảm nhận được tết đã về rất gần.

"Thủ phủ" mai vàng Quảng Ngãi

Ở Quảng Ngãi, làng mai Xuân Vinh, thuộc xã Hành Đức, H.Nghĩa Hành được xem là "thủ phủ" hoa mai vàng ở tỉnh này. Vào những ngày cuối tháng chạp, về với làng nghề cây cảnh Xuân Vinh, chúng tôi vào nhà vườn của ông Nguyễn Tấn Đạt (68 tuổi) để tham quan, tìm hiểu. Tại đây, ông Đạt cho biết ông đã chơi, sưu tầm cây mai vàng được hơn 20 năm, xem mai như một phần cuộc sống của mình. Hiện tại trong vườn ông Đạt có khoảng 300 cây mai do chính ông chăm sóc, uốn nắn, tạo hình.

"Đến thời điểm này, nhiều người trồng mai ở làng nghề cây cảnh Xuân Vinh bắt đầu trẩy lá để mai ra hoa kịp Tết Nguyên đán 2024. Thời điểm gần tết, các nghệ nhân chơi hoa mai thường ghé thăm các vườn để giao lưu, chiêm ngưỡng những gốc mai đẹp do những nghệ nhân sáng tác. Tạo dáng mai có rất nhiều kiểu, hình dáng khác nhau như: bon sai, dù, thế… tùy theo ý tưởng của các nghệ nhân", ông Đạt nói.

Hàng trăm gốc mai nở sớm, giá bán tết hạ nhiệt: Nhiều chủ vườn lo sốt vó

Còn tại vườn mai của ông Lê Văn Minh (52 tuổi, cũng ở làng mai Xuân Vinh) có rất nhiều gốc mai bon sai với nhiều hình dáng khác nhau, trông rất đẹp. Ông Minh cho hay, ông bắt đầu trồng mai khoảng 20 năm trước. Vì yêu thích cây mai nên ông đã sưu tầm, trồng hàng trăm gốc mai trong vườn nhà. Có một số gốc mai, ông Minh chỉ để sưu tầm chứ không bán vì nó chứa rất nhiều tâm huyết của ông.

"Ở đây có rất nhiều người trồng mai và một số loại cây cảnh khác, mai được chia thành nhiều loại, gồm: hoàng mai, bạch mai, thanh mai, mai tình…; mỗi loại mai có nét đẹp khác nhau", ông Minh cho biết thêm.

Theo Hội Sinh vật cảnh H.Nghĩa Hành, hiện toàn huyện có hơn 1 triệu cây mai vàng các loại. Từ một thú chơi tao nhã trong dịp tết, nhiều hộ dân đã nâng lên thành một nghề chuyên nghiệp và mang lại sinh kế ổn định cho gia đình, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho người lao động. Riêng làng nghề cây cảnh Xuân Vinh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể làng nghề cây cảnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.