Bộ tộc Trầu
“Dân làng ni không uống rượu”, già Nguyễn Văn Hai (73 tuổi, ở làng Boa thuộc thôn 5 xã Trà Giáp) xua tay khi khách dưới xuôi thử lấy chai rượu gọi là ra mắt với chủ nhà. Chưa hết ngạc nhiên, từ nhà dưới anh Nguyễn Văn Sĩ con trai già Hai còn mang lên một khay trầu cau. “Dân làng ni tiếp khách bằng trầu”, vừa nói già Hai vừa lấy dao bổ quả cau ra làm tư.
Từ trung tâm xã Trà Giáp, khách vào đến làng Boa phải tốn gần nửa ngày băng rừng, qua những con dốc dựng đứng lởm chởm đá. Cả làng Boa có 80 hộ đồng bào Cadong, tổng cộng 8 nóc, mỗi nóc đặt tên theo người lớn tuổi nhất. “Nóc ông Hai” là nơi già Hai đang mời trầu khách dưới xuôi và kể thêm câu chuyện về ngôi làng không bao giờ say rượu. Nguyên trước đó, làng Boa sống dưới chân đồi Ông Trĩ cách đó khoảng chục cây số. Năm 2005, trước nguy cơ sạt lở, già làng họp dân vận động dời đến nơi ở mới. Dỡ nhà nhưng không thể “di dời” vườn cũ, dân làng mỗi khi dùng hết trầu cau lại lội xuống hái mang về. Sau, già Hai tìm cách mang giống trầu cau về trồng ở làng mới, giờ đã cao hơn đầu người... Dân làng Boa thích ăn cau non để nguyên vỏ với vôi bột, không tách vỏ cau như dưới xuôi. “Hồi xưa, làng mình đốt vỏ ốc dưới suối để làm vôi ăn trầu. Chừ họ làm vàng nhiều quá, ốc chết hết, nên phải đi xuống dưới xã mua vôi”, già Hai cười khoe hàm răng đỏ chót. Ba trong số 8 người con của già Hai cùng người vợ hôm ấy cũng xoay quanh khay trầu với khách, miệng ai nấy đều nồng thắm vị trầu cau.
Ở miền núi mà từ chối rượu, quả là chuyện lạ. Người làng Boa đã thay đổi hình ảnh “đàn ông rung đùi ngồi uống rượu - đàn bà mang gùi lên rẫy” vẫn thường thấy ở nhiều bản làng. Riết rồi thành nếp, không ai chuộng rượu. Dưới góc nhìn dân tộc học, nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng (Ban dân tộc tỉnh Quảng Nam) cho rằng từ xa xưa tổ tiên người Cadong, người Cor ở Trà My đã có truyền thống ăn trầu. “Họ ăn trầu còn nhiều hơn đồng bào Kinh dưới xuôi, vì thế bộ tộc Cor còn có tên “bộ tộc Trầu”. Hình ảnh cây cau khá quen thuộc ở những nóc, và trầu cau đi vào lễ nghi tín ngưỡng của đồng bào”, ông Hùng phân tích.
Nhưng điều thú vị là không phải nơi nào cũng bảo lưu nguyên vẹn tập tục truyền thống này như ở làng Boa.
|
Mỗi năm uống rượu 2 lần
Làng Boa xanh ngắt lúa nước với cánh đồng bao quanh chừng 12 ha, một thành quả đặc biệt sau 8 năm dời làng. Nhưng hạt gạo mang về đến bếp quý như hạt ngọc, bởi biết bao mồ hôi đã đổ xuống vì địa hình cách trở. “Cho nên làng mình quý gạo lắm, chỉ để ăn thôi, không nấu rượu” - bí thư chi bộ thôn 5 Nguyễn Thái Bàng, một người con của già Hai, lý giải.
Nhưng đó chưa phải là tất cả nguyên do khiến người làng Boa “nói không” với rượu. Anh Nguyễn Thái Bàng còn quả quyết rằng, ngày thường không ai uống rượu say, bản thân anh mỗi khi xuống xã họp cũng thường từ chối lời mời rượu. “Lâu ni không uống nên không thích. Với lại uống rượu say về làng, nếu quậy phá, đánh đập vợ con sẽ bị làng phạt, phải làm lễ cúng”, anh nói về lệ làng có từ lâu đời. Không rượu, cuộc sống ở làng Boa thật êm đềm, chẳng mấy khi thấy cảnh vợ chồng cãi cọ hoặc có kẻ say gây rối. Cánh phụ nữ càng ủng hộ, vì nhờ đó mà đàn ông siêng đi rẫy. Người già 60, 70 tuổi vẫn khỏe mạnh. Như già Hai, đã 73 tuổi lại là bệnh binh vẫn lên rừng đều đặn. “Chồng không uống rượu thì mình được nhờ, nó siêng lên rẫy”, Lê Thị Râu khoe. Chị vừa cưới chồng hơn nửa năm, tiệc cưới đơn sơ với mâm trầu cau đãi khách, chỉ thêm hũ rượu cần…
Cả làng Boa có mỗi một lò nấu rượu. Mỗi ngày, chị Hoa chủ tiệm tạp hóa bán được khoảng 5 lít rượu cho “phu vàng” nơi khác đến. Họa hoằn lắm mới thấy người làng Boa mua để “giải mỏi” chứ không ai dám uống say, nên chị Hoa lập lò nấu rượu chủ yếu… lấy hèm nuôi heo. Rượu chỉ “xuất hiện” công khai ở làng Boa trong 2 dịp: tết mừng lúa mới và lễ cưới. Ăn mừng lúa mới, già trẻ gái trai uống rượu, hát múa thoải mái nhưng gói gọn trong 2 ngày. Hết hội, lại quay về với nương rẫy, không được la đà vì già làng đã dặn rồi: Uống say nằm lì ở nhà không chịu đi làm, lấy đâu ra gạo mà ăn?
Làng ăn thuốc Cá C’râu, tiếng của đồng bào Xêđăng ở H.Nam Trà My (Quảng Nam) có nghĩa là “ăn thuốc”. Ở xã Trà Linh dưới chân núi Ngọk Linh, phần đông người dân không hút thuốc lá. Đồng bào trồng cây thuốc lá trên rẫy, sau hái lá mang về treo trên giàn bếp, đến khi khô giòn thì nghiền thành bột. Vỏ ốc đá được nung chín, giã mịn như vôi để trộn đều với thuốc lá, trở thành món hỗn hợp thuốc bột, được người dân cất giữ trong bình nhựa và sử dụng hằng ngày. Tục “ăn thuốc” của đồng bào Xê đăng có từ lâu đời, gặp nhau đồng bào thường đưa lọ thuốc bột ra mời nhau. Thực ra, họ chỉ “ngậm thuốc” chứ không nuốt. Ngậm một lát cho bột thuốc ngấm đều, sau đó họ dùng lưỡi đẩy cho bột bôi kín ở nướu, khoảng 5 phút sau thì nhả “xác”, dễ có cảm giác lâng lâng nhưng không quá độc hại, không ảnh hưởng đến người xung quanh... Nhiều người còn khen thuốc bột trộn với vôi có độ nóng vừa phải, tiện cho khâu... diệt sâu răng, ít người bị bệnh răng miệng (!). Bình quân mỗi người trưởng thành “ăn thuốc” 30 lần/ngày. |
Hứa Xuyên Huỳnh - Phương Giang
Bình luận (0)