|
Thông tin trên được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 3 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) trình bày tại phiên chất vấn trực tiếp của QH diễn ra sáng nay 12.11.
Nội dung báo cáo cho thấy việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường đang bộc lộ nhiều kẽ hở dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực. Tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng chéo xảy ra khá phổ biến với diện tích khoảng 7.557,39 ha, dẫn đến việc tranh chấp đất đai xảy ra rất phức tạp ở nhiều địa phương, làm giảm niềm tin của nhân dân.
|
Báo cáo giám sát đồng thời cho hay diện tích đất chưa sử dụng trong các nông, lâm trường hiện còn khoảng 315.000 ha, trong đó các ban quản lý rừng là 253.000 ha, các lâm trường là 57.000 ha; hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng, kể cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chủ yếu mới chỉ được giao đất trên bản đồ, sổ sách, thậm chí còn nhiều nông, lâm trường không có bản đồ, hồ sơ địa chính. Chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông, lâm trường, cho thuê, cho mượn trái pháp luật cũng diễn ra ở nhiều nơi, với diện tích khoảng hơn 4.000 ha.
“Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng mãi đến ngày 9.4.2012, Bộ Tài nguyên - Môi trường mới có quyết định thanh tra việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường trên phạm vi toàn quốc”, Ủy ban TVQH cho biết.
Cũng theo đánh giá của đoàn giám sát thì việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thực chất mới chỉ là đổi tên mà chưa xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc quản lý, sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, vì vậy, chưa đóng góp được nhiều cho phát triển kinh tế tại các địa phương...
Để chấn chỉnh tình trạng đã nêu, Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích; để đất hoang hóa, kiên quyết thu hồi giao địa phương quản lý để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân đang thiếu hoặc không có đất sản xuất.
Ủy ban TVQH cũng nhấn mạnh yêu cầu cần đánh giá lại mô hình cổ phần hóa các doanh nghiệp lâm nghiệp, nông nghiệp để có giải pháp và định hướng trong việc tiếp tục thực hiện mô hình này; kiên quyết giải thể các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động kém hiệu quả; nghiên cứu chuyển đổi các nông, lâm trường tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng chiến lược quốc phòng, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thành các đơn vị sự nghiệp và tiếp tục đầu tư, phát triển để hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Bảo Cầm
>> Lãng phí đất thuộc sở hữu nhà nước
>> Giải pháp chống lãng phí đất công
Bình luận (0)