Lãng phí đất 'vàng' và lời cảnh báo 20 năm trước

03/12/2024 05:10 GMT+7

Sau khi đọc bài viết Nỗ lực xử lý nhà đất 'vàng' hoang phế đăng trên Báo Thanh Niên ngày 24.11, một cán bộ Sở TN-MT TP.HCM gửi cho phóng viên văn bản về những bất cập sử dụng đất công trên địa bàn.

Văn bản phát hành năm 2003, chia nguồn gốc đất thành 3 nhóm. Nhóm 1 là đất do tiếp quản, chuyển giao; nhóm 2 là đất do doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa tính giá trị quyền sử dụng đất; nhóm 3 là đất do tổ chức tự thương lượng bồi hoàn.

Bất cập ở chỗ tính toán nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, nhóm 3 phải tốn chi phí bồi hoàn còn nhóm 1 và nhóm 2 được trực tiếp sử dụng đất công (không tốn chi phí bồi hoàn) nhưng đều áp dụng chung đơn giá thuê đất. Với giá thuê áp dụng theo Quyết định 3346/1994 của UBND TP.HCM mang tính tượng trưng, nhóm 1 và nhóm 2 gần như được hưởng bao cấp về đất khi so với giá thị trường. Đây là lý do chính khiến nhiều đối tượng sử dụng đất lãng phí, sai mục đích hoặc cho thuê mướn để hưởng lợi. Thậm chí, có trường hợp còn xin chuyển quyền sở hữu tài sản trên đất cùng với chuyển quyền thuê đất nhằm kiếm khoản thu rất lớn từ chuyển quyền thuê đất.

Đối chiếu lại những bất cập được Sở TN-MT nhận diện hơn 20 năm trước, thực tế lãng phí có điểm tương đồng. Các đơn vị sử dụng đất công trả tiền thuê đất theo đơn giá gần 30 năm trước, dù có tính trượt giá nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để trống mặt bằng. Ngoài ra, cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh chặt chẽ đến mức bóp nghẹt việc cho thuê. Xót xa đất "vàng" bỏ trống, nhiều đơn vị tại TP.HCM đã trình phương án sử dụng theo tinh thần Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị, nhưng thời gian xem xét khá lâu.

Sau khi những chỉ đạo quyết liệt từ T.Ư về chống lãng phí, UBND TP.HCM đã lên kế hoạch tổng rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng trụ sở, nhà đất công. Từ việc rà soát, TP quyết tâm đợt này phải làm đến nơi đến chốn, thu hồi những khu đất sử dụng sai mục đích, và quan trọng hơn là phải tìm được lối ra cho những mặt bằng, khu đất đang hoang phế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.