Lãng phí hàng chục ngàn căn nhà tái định cư

12/03/2018 04:49 GMT+7

“Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016 - 2020 của TP.HCM” từ Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập, hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng.

Tính toán thiếu hợp lý
Theo Kiểm toán Nhà nước, để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), TP đã phải di dời, giải phóng mặt bằng số lượng rất lớn các hộ dân để nhường chỗ cho các dự án xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp, khu đô thị mới. Ngoài hình thức tái định cư bằng đất nền, TP có chủ trương đầu tư 30.000 căn hộ phục vụ tái định cư trên địa bàn TP và 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng và mua nhà đất phục vụ tái định cư của TP vẫn còn để xảy ra nhiều tồn tại.
Cụ thể, đối với chương trình 30.000 căn hộ, các sở, ngành, quận, huyện chưa có kế hoạch về danh mục dự án, tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành, số lượng căn hộ hình thành... để cụ thể hóa chủ trương đầu tư xây dựng của TP. Từ khi triển khai đến nay, TP cũng chưa sơ kết, đánh giá về việc tổ chức thực hiện, chủ yếu đánh giá khi có yêu cầu. Việc xác định nhu cầu quỹ nhà, đất tái định cư cho dự án còn hạn chế, bất cập dẫn đến việc đầu tư xây dựng và mua quỹ nhà, đất tái định cư những năm qua còn cao hơn so với thực tế bố trí và tồn đọng quỹ nhà khá nhiều. Hầu hết các quận, huyện đều dự báo số lượng nhà, đất nền cần để bố trí tái định cư cho các dự án cần giải phóng mặt bằng theo số hộ bị ảnh hưởng toàn bộ mà chưa căn cứ trên cơ sở để phân loại những hộ đủ điều kiện.
Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc xác định nhu cầu tái định cư của dự án còn một số điểm bất cập, chưa đầy đủ thông tin và khả năng dự báo dẫn đến việc lập phương án đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư là chưa phù hợp nhu cầu thực tế. Tính đến cuối năm 2016, TP mới chỉ thực hiện mua lại hơn 6.700 căn hộ đã hoàn thành đưa vào bố trí tái định cư (bằng 53,7% so với chủ trương xây dựng 12.500 căn hộ), nhưng đến cuối tháng 8.2017 mới bố trí tái định cư được hơn 1.750 căn (bằng 14,1% so với chủ trương xây dựng 12.500 căn). Hiện, TP đã xin ý kiến xử lý gần 3.800 căn hộ hoàn thành nhưng không có nhu cầu sử dụng từ phục vụ tái định cư sang nhà ở thương mại và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Bên cạnh đó, việc bố trí tái định cư bằng đất nền không được tính toán hợp lý.
Lãng phí
Kiểm toán Nhà nước dẫn số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP, nêu tổng số quỹ nhà đất đã hoàn thành phục vụ tái định cư từ năm 2004 đến cuối tháng 3.2017 là 39.991 căn - nền (gồm 25.506 căn nhà và 14.485 đất nền). Trong đó, đã bố trí tái định cư 25.625 căn - nền (gồm 15.003 căn nhà và 10.622 đất nền). Số chưa bố trí là 14.366 căn - nền (gồm 10.503 căn nhà và 3.863 đất nền). Theo tính toán, số lượng quỹ nhà đất còn tồn tương đương 56,06% số lượng đã bố trí tái định cư từ năm 2004. Sở Xây dựng TP cũng kiến nghị TP chấp thuận chuyển đổi 5.000 căn hộ có mục tiêu tái định cư thành nhà ở xã hội để cho thuê.
Một ví dụ điển hình về lãng phí ngân sách như ở H.Bình Chánh có quỹ nhà đất tái định cư chủ yếu là đất nền, chỉ có 1 dự án khu tái định cư Vĩnh Lộc B là căn hộ tái định cư nhưng vị trí ở cách xa khu vực dự án đến 20 km, dẫn đến nhiều hộ không đồng ý tái định cư ở đây. Khu tái định cư này được quyết định đầu tư từ năm 2004, quy mô hơn 500 đất nền và trên 2.200 căn hộ, với tổng mức đầu tư gần 543 tỉ đồng. Đến cuối năm 2007, TP điều chỉnh xuống còn gần 2.000 căn hộ nhưng tổng mức đầu tư được nâng lên gần 848 tỉ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 5.2008, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010, với tổng mức đầu tư đề nghị điều chỉnh là hơn 1.062 tỉ đồng. Theo đó, việc chậm tiến độ đầu tư đã phát sinh tăng ít nhất 519 tỉ đồng, bằng 195,7% so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra bất cập, dù quỹ nhà đất bố trí tái định cư cao nhưng tại một số quận, huyện của TP.HCM vẫn còn thiếu cục bộ gây khó khăn khi bố trí tái định cư. Cụ thể, nơi có dự án thì các khu vực lân cận không đảm bảo số lượng quỹ nhà, đất để bố trí tái định cư; vị trí bố trí tái định cư xa với nơi ở bị ảnh hưởng của dự án nên gây khó khăn trong việc lựa chọn vị trí phù hợp để đảm bảo việc ổn định đời sống của người dân. Đồng thời, một số dự án đầu tư xây dựng, mua căn hộ hoàn chỉnh có thời gian đầu tư xây dựng kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.
Tại H.Nhà Bè, dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư T30 nhằm phục vụ di dời, giải tỏa các hộ của dự án Đầu tư xây dựng trại giam T30 tại xã Phước Lộc được TP phê duyệt lần đầu từ tháng 10.2003, điều chỉnh lần 2 vào tháng 6.2007, nhưng đến tháng 1.2017 mới nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đã làm tăng tổng mức đầu tư lên 285% so với ban đầu, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư.
Về công tác quản lý quỹ nhà, đất tái định cư, Kiểm toán Nhà nước đã thẳng thắn chỉ ra sự lỏng lẻo dẫn đến quỹ đất nền ở một số địa phương bị lấn chiếm làm chỗ đậu ô tô, trang thiết bị của căn hộ tái định cư xuống cấp, hỏng hóc, thấm dột...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.