ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, thế nhưng sau mỗi vụ thu hoạch, nhà nông bị hao hụt và lãng phí hàng ngàn tỉ đồng.
Cơ giới không đồng bộ đã gây lãng phí lớn tại ĐBSCL - Ảnh: Thanh Dũng
|
Hao hụt nhiều trong thu hoạch
Theo nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL, hiện nay hệ thống sấy lúa ở khu vực chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 30% sản lượng lúa của vụ hè thu, số lúa còn lại phải phơi thủ công dẫn đến hao hụt nhiều. TS Hoàng Bắc Quốc, Viện lúa ĐBSCL, cho rằng nếu nhà nông gom thủ công khi thu hoạch thì họ phải trả khoảng 1,8 triệu đồng/ha, hao hụt lúa trên 6%, nhưng nếu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp thì tiền thuê máy chỉ khoảng 1,2 triệu đồng, hao hụt lúa giảm còn khoảng 3% (tương đương khoảng 195 kg/ha vụ đông xuân, 135 kg/ha vụ hè thu). Như vậy, nếu tính lượng lúa thất thoát giảm, tiền thuê nhân công gom thì việc sử dụng máy gặt đập liên hợp đã làm lợi cho nông dân 2,25 triệu đồng/ha.
Ngoài thất thoát trong thu hoạch, người dân còn gánh chịu nhiều hao tổn và lãng phí nguồn phụ phẩm từ lúa. Theo TS Nguyễn Công Thành, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho đến nay người dân sạ lúa, bón phân, phun thuốc hầu hết đều sử dụng thủ công, nên hao hụt phân bón và lúa giống rất lớn. Đó là chưa kể phun xịt bằng thủ công làm nhà nông gánh thêm bệnh tật. Mặt khác, PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (An Giang), cho biết nhà nông còn lãng phí nguồn nguyên liệu rơm. Vì trước đây, người dân cắt lúa bằng phương pháp thủ công, lúa và rơm thu gom một chỗ vận chuyển dễ dàng. Còn hiện nay do cắt bằng máy gặt các loại nên rơm bị tác động, việc thu gom vận chuyển tốn kém, đa phần nông dân đốt rơm trên đồng thay vì bán. Hằng năm sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ở ĐBSCL đã bỏ phí hơn 23 triệu tấn rơm, trong khi 1 tấn rơm hiện có giá 2 triệu đồng thì quy ra tiền đây không phải con số nhỏ.
Giảm thất thoát dưới 8%
ĐBSCL hiện có trên 10.000 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng 60 - 70% cơ giới hóa thu hoạch, khâu này đã giảm được thất thoát lúa từ 2 - 3%. Ông Nguyễn Văn Gấu (ngụ xã Phú Hữu, H.An Phú, An Giang) cho biết 1 ha đất ruộng sau vụ thu hoạch lúa trừ các chi phí nông dân lời 25 - 30 triệu đồng. Nếu nông dân có máy móc làm đồng thì lợi nhuận sẽ còn tăng thêm vài triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng để đến năm 2020, thất thoát thu hoạch lúa giảm xuống còn 5 - 8% (ngang bằng các nước tiên tiến) thì cơ giới hóa phải đồng bộ và mở rộng dịch vụ cơ giới hóa từ đầu tư máy móc của nông dân giàu, tư nhân và hợp tác xã. Khi đó, nông dân ít đất, ít tiền có thể đến các dịch vụ này để thuê các máy móc chất lượng.
Theo TS Phạm Văn Tấn, Phó giám đốc Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ STH (TP.HCM), tăng cường cơ giới hóa trong canh tác nông nghiệp sẽ giúp giải quyết các khâu gieo trồng, tưới nước, chăm sóc, thu hoạch kịp thời và nhanh chóng. Điều này không chỉ giúp sử dụng giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả để tăng năng suất, chất lượng cây trồng mà còn hạn chế tác động đến sức khỏe của nông dân và môi trường tự nhiên. Ngoài ra, đẩy mạnh cơ giới hóa cũng là động lực phát triển công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước. Do đó, nên khuyến khích tái lập việc đào tạo kỹ sư và cán bộ cơ khí nông nghiệp ở các trường CĐ và ĐH, cải thiện giao thông nông thôn và nội đồng; khuyến khích mở rộng kích thước lô thửa và quy mô sản xuất của nông hộ để việc di chuyển, sử dụng các loại máy móc thiết bị vào đồng ruộng thuận lợi hơn.
Bình luận (0)