Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 2: Xây trường, chợ rồi bỏ không

08/04/2014 03:00 GMT+7

Không chỉ lãng phí ở những dự án tái định cư, ở Quảng Trị còn có tình trạng trường dạy nghề, chợ đầu tư tiền tỉ xong... để không, chờ xuống cấp.

 Chợ Gio Hải
Chợ Gio Hải đìu hiu và xuống cấp - Ảnh: N.Phúc

Trường xây xong, 3 năm chưa mở được lớp nào

Đến Quảng Trị sẽ thấy hầu hết các huyện thị thuộc tỉnh này đều có trung tâm (TT) dạy nghề (8 TT cả thảy) và điểm chung của các TT này là đều hoạt động không mấy hiệu quả, dù được xây dựng trường lớp hoành tráng và đầu tư trang thiết bị quy mô...

Ví như tại TT dạy nghề tổng hợp H.Cam Lộ hiện có hệ thống 2 phòng học tin học. Số tiền đầu tư hệ thống thiết bị máy tính tại 2 phòng này lên đến hơn 400 triệu đồng, nhưng từ khi hoàn thiện đến nay chưa hề có một lớp dạy nghề nào được mở ra ở đây.

Tương tự, TT dạy nghề tổng hợp H.Hướng Hóa được đầu tư gần 8 tỉ đồng và đưa vào hoạt động từ tháng 7.2011, với hệ thống 3 dãy nhà khang trang có các phòng lý thuyết, thực hành cùng trang thiết bị hiện đại... Thế nhưng, đến nay đã gần 3 năm TT này chưa hề tổ chức được một lớp dạy nghề nào (!). Vì không có lớp, hàng loạt thiết bị phải nằm kho, không biết khi nào mới hữu dụng. Trong đó, chỉ tính riêng 3 thiết bị: máy kéo, bộ thực hành điện dân dụng, bộ thực hành máy phát điện xoay chiều 1 pha đã ngốn kinh phí đầu tư hơn 460 triệu đồng. “Năm 2011, 2012 chủ yếu chúng tôi đầu tư vào các dụng cụ nghề điện và gò hàn, nhưng nhìn chung thiết bị chưa đầy đủ nên chưa triển khai mở lớp được”, ông Nguyễn Văn Giáo, Giám đốc TT dạy nghề tổng hợp H.Hướng Hóa, phân bua.

Trong khi đó, tại TT dạy nghề tổng hợp H.Gio Linh, số phận của những chiếc máy may công nghiệp cũng khá bi đát khi bị dồn về một góc phòng cho bụi phủ.

Bà Dương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị, cho rằng việc TT dạy nghề tổng hợp H.Hướng Hóa chưa mở được lớp học nào là do TT chọn vị trí xây dựng khá xa khu dân cư, trong khi dạy nghề cho lao động nông thôn thì phải về với nông thôn mới thu hút người học, đặc biệt khi đối tượng học nghề là đồng bào vùng cao. “Sở chỉ quản lý về chuyên môn thôi, còn việc mua sắm trang thiết bị các TT thường đề xuất lên UBND huyện”, bà Yến nói.

Để tháo gỡ, bà Yến cho biết: “Sở đã chỉ đạo các TT nên ký hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ. Nghĩa là đào tạo nghề xong thì người học có việc luôn, đúng nghề đã học chứ không đào tạo tràn lan. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ rà soát toàn bộ các TT dạy nghề cấp huyện, ở TT nào có trang thiết bị dạy học không dùng đến hoặc dùng không hiệu quả sẽ chuyển cho TT khác”.

Chợ... không tiểu thương

Ở Quảng Trị, có khá nhiều ngôi chợ nổi tiếng với bản sắc riêng, nhưng cũng không ít ngôi chợ “tai tiếng” vì... gây lãng phí. Chợ xã Gio Hải là một ví dụ.

Theo UBND xã này, chợ được xây dựng năm 2009 với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng biển bãi ngang. Một trong những mục tiêu xây dựng chợ là “giải quyết một số lao động”, nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên số lao động được giải quyết ở đây chỉ... 4 người (!?).

Ông Trần Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Gio Hải, nói chợ được đưa vào sử dụng phục vụ việc buôn bán, trao đổi hải sản của người dân địa phương nhưng không phát huy được công năng. “Chúng tôi hiện vẫn liên tục vận động bà con tiểu thương vào chợ để buôn bán. Tuy vậy, việc này không phải một sớm một chiều vì mình không thể ép bà con được”, ông Chương trần tình.

Chợ thị trấn Cửa Việt (H.Gio Linh) thì lại rơi vào tình trạng xây hoài chưa xong. Tháng 6.2010, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án chợ thị trấn Cửa Việt và việc thi công bắt đầu từ năm 2011. Nhưng đến khoảng tháng 8.2012, bỗng nhiên nhà thầu dừng xây dựng, rút hết máy móc, nhân công trong khi chợ mới xong mỗi bộ khung. Vào khoảng tháng 1.2013, PV đã về Cửa Việt để tìm hiểu nguồn cơn thì được ông Nguyễn Trường Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn, cho biết dù phê duyệt tổng đầu tư là 20,5 tỉ đồng nhưng tỉnh chỉ cấp 3 tỉ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư, phần còn lại sử dụng vốn phân cấp do H.Gio Linh quản lý và vốn đấu giá lô quầy (ước khoảng 200 lô), phố chợ. “Chúng tôi xin huyện thì huyện bảo không có tiền, trong khi chợ Cửa Việt là chợ xây mới, trước đây không có chợ cũ nên lấy ai ra đấu giá lô quầy?”, ông Kỳ nói vào thời điểm đó.

Hơn 1 năm sau, người viết quay lại và ghi nhận sự “tiến bộ” của khu chợ này khi đã được tô trét vôi vữa bên ngoài. Tiếc rằng, vào sáng 21.3, “lịch sử” lặp lại khi công trình không có bóng dáng một công nhân, máy móc nào làm việc. Lần này, ông Kỳ phân bua: “Hiện số vốn được phê duyệt cho xây dựng chợ giai đoạn 1 mới là 12 tỉ đồng và việc thi công vẫn đang dựa vào số tiền đó để làm. Tuy vậy, do trượt giá nên một số hạng mục phải thay đổi hoặc chưa thực hiện được. Ví dụ,  trước đây định quét sơn nhưng nay chuyển sang phương án quét vôi; hệ thống điện và phòng cháy chữa cháy... chưa có vốn để thực hiện”. 

Nguyễn Phúc

>> Xây trường rồi... bỏ hoang
>> Lãng phí chợ bỏ hoang
>> Bỏ hoang tiền tỉ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.