Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 6: Cảng quốc tế trăm tỉ làm nơi... câu cá

12/04/2014 03:17 GMT+7

Từng hứa hẹn mở ra nhiều thuận lợi để Cà Mau xuất khẩu hàng hóa, nhưng hơn 10 năm nay, cảng Năm Căn (H.Năm Căn) thỉnh thoảng mới có tàu cập bến.

Từng hứa hẹn mở ra nhiều thuận lợi để Cà Mau xuất khẩu hàng hóa, nhưng hơn 10 năm nay, cảng Năm Căn (H.Năm Căn) thỉnh thoảng mới có tàu cập bến.

Lãng phí ở tỉnh nghèo: Cảng quốc tế trăm tỉ làm nơi... câu cá

Cảng Năm Căn ngổn ngang, phía xa là chiếc cẩu hơn 15 tỉ đồng để không - Ảnh: Gia Bách 

Theo quy hoạch hiện tại, cảng Năm Căn nằm trong hệ thống cảng ĐBSCL, giao lưu hàng hóa nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, do chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV cảng Năm Căn gặp khó khăn về vốn đầu tư nên tiến độ thực hiện dự án chỉ khoảng 30 - 60%.

Giữa năm 1990, từ cảng sông, Năm Căn được nâng cấp thành cảng biển để phục vụ thương mại quốc tế, với tổng vốn đầu tư hơn 111,6 tỉ đồng. Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và các đơn vị trực thuộc thiết kế, giám sát, thi công. Theo thiết kế, cảng Năm Căn khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 5.000 - 12.000 tấn, công suất xếp dỡ hàng hóa 800.000 tấn/năm. Sau khi được Bộ GTVT bàn giao cảng Năm Căn, UBND tỉnh Cà Mau thành lập doanh nghiệp để quản lý khai thác, nhưng do đường bộ chưa thông, đường sông cạn, tàu lớn khó vào được nên cảng “không có việc làm”.

Đến 2006, Cà Mau chuyển giao cảng Năm Căn cho Vinashin đầu tư, khai thác nhưng không hiệu quả; khi Vinashin khốn đốn, cảng được chuyển cho Vinalines.

Sau khi tiếp nhận, Vinalines vay vốn mua chiếc cẩu 32 tấn trị giá hơn 15 tỉ đồng để xếp dỡ hàng hóa, nhưng vì không có hàng nên cẩu nay thành đống sắt gỉ. Ông Trần Hoàng Khện, Giám đốc Công ty TNHH MTV cảng Năm Căn, tiếc nuối: “Từ khi tỉnh Cà Mau giao cảng Năm Căn cho Vinashin rồi Vinalines quản lý, ngoài chiếc cẩu thì đến nay hầu như không được đầu tư gì thêm vì thiếu vốn. Cảng được xây dựng ở vị trí khá thuận lợi nhưng do không được đầu tư đúng mức nên chưa phát huy hiệu quả”.

Theo thống kê, hằng năm tỉnh Cà Mau xuất khẩu hàng trăm triệu USD hàng thủy sản, đạm; hàng loạt các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu đi vào hoạt động nhưng tất cả phải xuất qua các cảng tại TP.HCM, khiến doanh nghiệp tốn khoản chi phí vận chuyển khá lớn.

Để phát huy hiệu quả, năm 2012, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Vinalines xem xét chuyển giao cảng Năm Căn cho tỉnh Cà Mau quản lý, đầu tư, khai thác, nhưng chưa được chấp thuận. Hiện cảng Năm Căn ngổn ngang, hoang phế, chủ yếu được tận dụng cho thuê bãi đậu xe buýt, tập kết vật liệu xây dựng và làm điểm câu cá...

Nhà máy đóng tàu “chết yểu”

Song song với việc tiếp quản cảng Năm Căn, Vinashin quyết định đầu tư 300 tỉ đồng để xây dựng Nhà máy đóng tàu Cà Mau cách đó không xa. Theo thiết kế, nhà máy được triển khai trên diện tích 58 ha bên bờ sông Cái Lớn, thuộc xã Hàng Vịnh (H.Năm Căn), có năng lực đóng mới tàu trọng tải từ 5.000 - 10.000 tấn và sử dụng khoảng 4.000 công nhân.

Để có đất xây dựng dự án, tỉnh phải giải tỏa 127 hộ dân. Khi chuẩn bị xây dựng nhà máy, ngành chức năng giải thích và hứa sẽ ưu tiên tạo điều kiện đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho con em gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án, nên những hộ dân dù mất nhà, mất đất nhưng vẫn thấy vui. Sau đó, Vinashin đã cùng các ngành, các cấp tỉnh Cà Mau tuyển chọn lao động, đào tạo công nhân; mời Đại học GTVT chi nhánh TP.HCM mở 2 lớp về máy thủy và thiết kế tàu thủy tại TP.Cà Mau nên nhiều người đặt kỳ vọng lớn vào nhà máy để đổi đời. Tuy nhiên, sau 4 năm học đại học, tự đóng học phí, giấc mơ làm việc tại nhà máy của người dân đã biến mất. Thay vào đó, họ phải chạy vạy khắp nơi tìm việc kiếm tiền trả nợ vay khi đi học.

Ông Võ Văn Hành, Chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh, than: “Gần 2 năm nay, nhà máy đóng tàu gần như không hoạt động, chỉ có bảo vệ trông giữ tài sản nên chuyện giải quyết việc làm cho con em địa phương không được nhắc đến. Hiện giờ địa phương cũng đang đau đầu vì chuyện bồi thường cho dân khi giải tỏa lấy đất xây dựng nhà máy cũng chưa được giải quyết dứt điểm”.

Dân không vào khu đô thị vì sợ đói

Để phục vụ việc giải tỏa 670 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khí - điện - đạm Cà Mau, hơn 10 năm trước Tập đoàn dầu khí quốc gia VN đã bỏ ra gần trăm tỉ đồng xây dựng hạ tầng Khu đô thị Khánh An (H.U Minh, Cà Mau), với quy mô trên 100 ha. Dự án được quy hoạch xây dựng nhiều công trình công cộng, dân sinh như: chợ, trường học, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao, nhà điều hành... nhưng hiện chỉ vài chục hộ dân vào ở nên các công trình này trong tình trạng hoang phế. Trong các công trình trên, hiện chỉ có trường học là hoạt động. Song, thầy Quách Thành Thới, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn (nằm trong khu đô thị), cho biết: “Trường được đầu tư khá quy mô, trang thiết bị dạy và học đầy đủ nhưng hiện tại chỉ có hơn 140 học sinh, chủ yếu của các ấp lân cận”.

Ngoài tái định cư, người dân mất đất còn được nhận đất tái định canh thuộc dự án. Tuy nhiên, gần như toàn bộ diện tích cấp cho dân là “đất chết”.  Ông Lê Văn Bồng, một trong những hộ nhận đất sản xuất, nói: “Đất ở đây phèn nặng, lau sậy um tùm. Mùa vừa rồi, tôi làm 20 công, thu hoạch không quá

30 giạ lúa, thì thử hỏi làm sao sống được. Người dân không ai dám vào đây vì sợ đói”. Còn ông Nguyễn Việt Lập, nguyên Phó ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Cà Mau - người chứng kiến quá trình hình thành của khu đô thị này, chua xót: “Dân vào ở tại khu đô thị này không thể ổn định ngay được, bởi khu vực này là đất rừng, cải tạo 9 - 10 năm vẫn còn phèn. Khó sản xuất nên người dân không chịu vào ở cũng có cái lý của họ. Theo quy hoạch, đến năm 2010 khu đô thị có 8.000 - 10.000 dân nhưng đến nay chưa đến 100 nóc nhà, phần nào nói lên sự thất bại của dự án”.

Gia Bách

>> Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 4: Bến xe, âu thuyền xây xong để... ngó !
>> Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 5: Làng nghề tiền tỉ 'chết non

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.