Lãng phí tài nguyên du lịch: Bao giờ có “sông du lịch”?

26/02/2010 21:50 GMT+7

Sông Hồng, sông Hương, sông Sài Gòn, sông Cửu Long... chính là những điểm nhấn mềm mại trên bản đồ du lịch VN nhưng hầu như đến nay cũng chưa thấy “sông du lịch” ở đâu.

Tại hội nghị chuyên đề về du lịch đường sông tổ chức gần đây trên sông Sài Gòn, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), ông Vũ Thế Bình thừa nhận, du lịch đường sông của VN có tiềm năng lớn nhưng chưa tận dụng khai thác được vì chưa có chính sách đặc thù để phát triển loại hình này.

Có thể nói, sông, hồ ở đô thị là một ưu đãi cực lớn của thiên nhiên. Nhiều nước không có lợi thế này cũng cố gắng tạo ra các sông, hồ nhân tạo để thu hút du khách. Riêng tại VN, hầu hết các thành phố lớn trong cả nước đều có sông, hồ.

Nhiều dòng sông, giàu điểm đến

“Tôi cho rằng du lịch đường sông ở khu vực phía Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ nếu biết cách khai thác”.

Ông Vũ Minh Anh, Giám đốc Công ty du lịch Đất Xanh (TP.HCM)
Tại TP.HCM, sông Sài Gòn  nằm ngay giữa trung tâm. Từ bến Bạch Đằng du khách có thể lên tàu để du ngoạn về miền Tây tham quan Mỹ Tho, Bến Tre, Cái Bè, Cần Thơ... rồi tiếp tục ngược lên An Giang, qua cửa khẩu ở Châu Đốc để đến Phnom Penh, Siem Riep. Hay theo hướng tây bắc về Củ Chi tham quan địa đạo và tới Tây Ninh. Cũng có thể xuôi về hướng bắc để được tận mắt chiêm ngưỡng những vườn cây ăn trái trĩu quả trên các cù lao của tỉnh Đồng Nai hay các làng nghề truyền thống làm gốm sứ ở tỉnh Bình Dương. Còn về hướng Đông, rừng dừa nước, rừng đước ven sông đoạn huyện Nhà Bè cũng dễ khiến du khách ngập tràn cảm xúc giữa mênh mông sóng nước... Có thể nói, sông Sài Gòn là trục chính đưa du khách tỏa đi khắp các vùng miền phía Nam.

Tiềm năng du lịch đường sông ở phía Bắc cũng rất lớn với tuyến điểm dựa vào sông Hồng, với các danh thắng văn hóa hai bên bờ sông.

Ở khu vực miền Trung, thưởng ngoạn sông Hương bằng thuyền rồng, nghe ca Huế, ngắm trăng... được cho là chương trình đặc biệt bởi tính khác lạ. Sông Hương còn là tuyến đường quan trọng trong hành trình tham quan các điểm đến khác như chùa Thiên Mụ, lăng Tự Đức, lăng Khải Định...

Tại Đà Nẵng có dịch vụ nhà hàng trên thuyền đoạn sông Hàn chảy ngang thành phố; dịch vụ này cũng có ở Hội An, Nha Trang, Biên Hòa, Cần Thơ...

Khu vực miền Tây sôi động với tour sông nước, chủ yếu dựa vào các khu du lịch nhà vườn có kênh rạch xung quanh hoặc chợ nổi, nhưng hầu hết đều trùng lặp, bắt chước mô hình lẫn nhau, khiến khách nhàm chán.

Nghèo hạ tầng, khách bỏ đi...

Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, nói: “Tôi cho rằng nên khôi phục lại các hoạt động trên tuyến du lịch sông Hồng, đặc biệt phải tổ chức làm sao cho du khách biết việc Lý Công Uẩn dời đô từ Ninh Bình về như thế nào, cập bến ra sao. Kết hợp với các nhà sử học, đó sẽ là một tour rất thu hút khách. Tuy nhiên, chúng tôi biết mình làm chưa tới tầm. Muốn làm được, phải có quy hoạch, đầu tư các bến bãi, đầu tư tàu bè, tổ chức lại dịch vụ...”. (Lưu Quang Phổ, ghi)

Tuy nhiên, hầu hết các tour tuyến du lịch đường sông chưa được các hãng lữ hành khai thác thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, nên thật sự không thu hút được đông đảo du khách. Đặc biệt, hạ tầng cơ sở phục vụ cho du lịch đường sông thì thiếu trầm trọng.

Đơn cử như TP.HCM, là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước chiếm tới hơn 60% khách quốc tế vào VN nhưng về mảng du lịch đường sông thì thiếu đủ thứ. Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM, trên địa bàn thành phố không có bến tàu riêng cho tàu du lịch; bến đậu cũng không. Thường thì tàu neo đậu rất xa khiến chi phí bến bãi quá cao, không thuận tiện cho việc chờ khách, chưa đảm bảo an toàn cho khách lên xuống tàu. Bên cạnh đó, nhiều điểm tham quan không có sự đầu tư mới, thậm chí xuống cấp, dịch vụ sơ sài, không có cầu dẫn cho khách lên bờ, phải di chuyển bằng thuyền con. Độ tĩnh không của một số cây cầu bắc qua sông thấp như cầu Bình Lợi, cầu Rạch Cát (Đồng Nai), cầu Dần Xây, cầu Lôi Giang đoạn qua sông Lôi Giang đến Vàm Sát (Cần Giờ). Những lúc thủy triều lên, tàu lớn không qua được, đành “transit” bằng ca-nô, khiến giá thành cao, khách ngán ngẩm.

Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty Thuyền Buồm Đông Dương, kể: “Năm 2005 tôi bắt đầu đầu tư tàu du lịch trên sông Sài Gòn, mỗi năm mỗi chiếc, quy mô ngày càng lớn hơn. Nhưng đến chiếc thứ ba thì tôi dừng lại, không đầu tư nữa bởi có quá nhiều hạn chế như bị cản trở do các cây cầu mới xây gần đây có độ tĩnh không thấp, tàu du lịch không thể đi được; bến tàu hầu như không có; điểm đến hạn chế... Nhiều đơn vị đã đầu tư du lịch đường sông cũng bỏ cuộc”.

Ông Lại Hữu Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ lữ hành Bến Thành cho rằng, tour đường sông ở VN quá đơn điệu, không thực sự hấp dẫn vì không có sự kết nối với cộng đồng dân cư ven sông. Nếu có thì việc tiếp cận cũng không dễ dàng vì không có phương tiện để tàu cập bờ. Ông Phương kể, cách đây 15 năm ông đã từng tham gia một đoàn khảo sát tour đường sông từ TP.HCM đi Phnom Penh, nhưng cho đến giờ TP.HCM vẫn không có gì thay đổi, còn Phnom Penh đã có cảng du lịch, nhờ vậy phát triển du lịch đường sông rất tốt. “Chúng tôi nhận thấy người dân TP.HCM cũng có nhu cầu du lịch đường sông rất lớn, không chỉ riêng khách quốc tế”, ông Phương nói.

Ông Vũ Hùng Anh, chủ đầu tư một hãng tàu du lịch cho rằng thực tế hiện nay du lịch trên sông ở ĐBSCL đang rơi vào thực trạng nhốn nháo. Các tàu hầu như không đáp ứng được những quy chuẩn an toàn đường thủy, thiếu đăng kiểm; lực lượng cứu hộ lẫn phòng cháy chữa cháy mỏng; luồng lạch không được phân chia rõ ràng; tốc độ tối đa, tối thiểu không được kiểm soát; cầu cảng không đúng chức năng....   

Theo các hãng lữ hành, VN không thể phát triển du lịch đường sông ở bất cứ nơi đâu, mà phải có quy hoạch và tập trung đầu tư để hình thành nên những “con sông du lịch” đặc trưng. Tránh xảy ra tình trạng tranh giành khách giữa các địa phương, thậm chí bắt chước nhau trong việc xây dựng sản phẩm, nên đã tạo ra nhiều điểm đến giống nhau, nhất là du lịch đường sông ở ĐBSCL.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.