Làng phơi lá buông

21/02/2014 09:15 GMT+7

Làng phơi lá buông nằm ở ấp Lộc Hòa, xã Lộc Thạnh, H.Lộc Ninh (Bình Phước). Đó là một ngôi làng nhỏ có chừng vài chục hộ dân sống quây quần men theo triền dốc của quốc lộ 13, tiếp giáp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.

Làng  phơi lá buông

 

 Lá buông được bó thành từng bó chờ chuyển về xuôi tiêu thụ

Làng  phơi lá buông 1

 Một người dân ở xóm lá buông - Ảnh: Trung Nguyên

Hơn 10 năm về trước, nhiều người dân đến từ các tỉnh miền Tây và miền Trung lên làm thuê cho các thương lái và được các chủ vựa cấp cho mảnh đất ven bãi để phơi lá buông. Thời gian đầu họ sống trong những căn chòi ọp ẹp được cất tạm trên vùng đất trống, che chắn tạm bợ để tránh mưa, tránh nắng. Dần dà, mảnh đất này tập trung người làm mướn từ các nơi đổ về ngày một đông, từ đó hình thành nên cái làng chuyên làm nghề phơi lá buông thuê.

Anh Nguyễn Văn Đực (16 tuổi, quê Bến Tre) là thế hệ thứ 2 lớn lên từ cái làng này cho biết: Lá buông một loại lá cây được lấy từ những khu rừng ở Campuchia. Sau khi phơi khô, lá có màu sắc rất tự nhiên và đẹp. Chính vì vẻ đẹp tự nhiên của lá cây buông nên người ta thường sử dụng để làm nón, giỏ xách và đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

Lá buông được các chủ vựa người Việt mua lại của người dân Campuchia từ bên kia biên giới. Các chủ vựa mua từng bó lá buông lớn rồi thuê lại người dân trong làng phơi khô, sau đó thu gom chuyển về thành phố để sản xuất, tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Bé (58 tuổi, quê  Đồng Tháp)  là một trong những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này cho biết: "Ngày trước ở quê không có việc làm, vợ chồng  tui lên đây làm mướn cho người ta. Thấy làm công việc này cũng đủ sống nên tui đưa cả gia đình cùng mấy sắp nhỏ lên đây. Dần dần, nhiều người đến đây và tập trung thành một làng từ khi nào không hay. Mới đó mà cũng đã hơn mười năm rồi”, bà Bé bồi hồi nhớ lại.

Ông Trần Nguyên Trung (54 tuổi, quê Đồng Nai), một người dân có thâm niên của xóm lá buông, vừa xốc lại từng bó lá để đừa vào chòi, vừa chẫm rãi nói: Nghề phơi là buông cực nhất là vào mùa mưa, những lúc trời mưa lá lâu khô và màu sắc không được đẹp. Nếu không bảo quản cẩn thận thì lá sẽ ngả màu về chất lượng kém. Mùa khô thì đỡ vất vả hơn, bình quân mỗi lao động nếu làm việc chăm chỉ mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 50.000 – 70.000 đồng. Ngoài ra để có thể sống được, các hộ gia đình ở đây còn trồng trọt và chăn nuôi thêm. “Nghề phơi lá buông coi vậy mà cũng bấp bênh lắm, không phải lúc nào cũng được chủ vựa thuê mướn. Những lúc nhàn rỗi người dân trong làng lại đi làm thuê là mướn đủ các nghề khác để sinh nhai”, ông Trung thở dài chia sẻ.

Chia tay người dân ở đây khi ánh hoàng hôn vùng biên đã tắt hẳn, chúng tôi khởi hành về thành phố trong tiếng nô đùa vui vẻ của những đứa trẻ vùng biên. Những bước chạy rộn ràng của lũ trẻ trên những phiến lá khô vang giòn tạo cảm giác ấm áp từ cuộc sống tuy mộc mạc đơn sơ của những người dân tha hương ở xóm lá buông.

Trung Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.