Lần đầu tiên chúng tôi đến Quy Hòa (P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) là vào khoảng 20 năm về trước. Trong ngần ấy thời gian, tôi không thể nhớ chính xác là mình đã đến đây bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng nơi này, bằng cách kỳ diệu nào đó, vẫn lưu giữ được hầu hết những vẻ đẹp từ quá khứ như một câu chuyện cổ tích thật đẹp để bất cứ ai đến đây vẫn có thể nghe và kể được câu chuyện của chính mình.
Thung lũng của những mộng mơ và hoài cổ
Với diện tích khoảng 60 ha, bao bọc xung quanh là núi đồi và hướng mặt đón gió biển với khung cảnh thiên nhiên diễm lệ, Quy Hòa hiện nay là mảnh đất “vàng” quý hiếm còn sót lại của một đô thị đang trên đường phát triển rất nhanh như Quy Nhơn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, mảnh đất này từng là nơi mà những người đang sống trong lòng nó cũng như người ngoài muốn nó bị chìm trong quên lãng.
|
Theo các tài liệu, vào khoảng năm 1929, một linh mục người Pháp có tên Paul Maheu đã phát hiện ra sự yên bình vắng lặng hiếm có của vùng đất này và ông đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa. Năm 1932, bệnh viện được Charles Antoine và Ozithe xây dựng lại, có cả khu nhà để người bệnh đến đây điều trị lâu dài. Ngoài bệnh viện, trong khuôn viên Quy Hòa còn có nhà thờ, nơi ở của các nữ tu và hơn 200 ngôi nhà dành cho bệnh nhân phong định cư.
Năm 1936, thi sĩ Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong và đến sống những năm tháng cuối đời ở Quy Hòa để điều trị bệnh và làm thơ. Trong đau đớn, cô đơn và buồn tủi, những vầng thơ Hàn Mặc Tử ghi đậm dấu ấn tài hoa rất riêng đã được ra đời tại vùng đất đẹp như tranh này như: “Thơ điên”, “Hương thơm”. “Mật đắng”, “Máu cuồng và hồn điên”... Từ đó, Quy Hòa cũng được biết đến nhiều hơn. Với những ai hâm mộ thơ Hàn Mặc Tử, Quy Hòa là điểm đến không thể bỏ qua trong đời. Người mộ điệu thơ, người tiếc thương cho một người tài hoa bạc mệnh, người tìm thấy vẻ đẹp và sự đồng cảm trong thơ ông đến đây mỗi năm để tưởng nhớ.
Bệnh phong bây giờ đã không còn bị đặt trong cái nhìn không đầy đủ thông tin như trước, bệnh không lây nhiễm và đã có thể chữa khỏi bằng sự phát triển của y học. Ngôi làng phong với khoảng 250 hộ dân và gần 500 nhân khẩu giờ đây đang trở thành một điểm đến độc đáo, thú vị cho du khách gần xa. Độc đáo ở chỗ, làng hoàn toàn là các thế hệ người bị bệnh phong sinh sống lâu đời, giữ lại được hầu hết nét kiến trúc Gothic từ thời Pháp và không có nhà xây mới hoặc cao tầng.
|
|
Sự pha trộn giữa kiến trúc, văn hóa và lịch sử in dấu trên từng ngôi nhà đã bạc màu sương gió càng khiến làng phong trở nên riêng biệt và mang đậm nét đẹp hoài cổ. Người dân ở đây vẫn giữ được nhịp sinh hoạt như thời cha ông để lại. Buổi sớm, đàn ông trong làng cùng nhau ra biển thả lưới, phụ nữ lại rôm rả buổi chợ để chăm sóc tổ ấm. Chiều chiều, những người đàn bà trong làng tụ tập vá lưới, trồng trọt và trao đổi những câu chuyện ở xóm giềng dưới rặng dừa, bóng phi lao và những giàn hoa giấy rực rỡ.
Điều đặc biệt ở làng phong
tin liên quan
Đến Nam Du câu cá nướng ăn tại chỗ và nghe kể chuyện về đất đảoẤy là chuyện đóng giày cho bệnh nhân phong. Đó là những chiếc giày rất khác nhau dù cùng một đôi. Khác về kích cỡ, hình dáng, độ cao thấp của gót… Có những chiếc giày mòn vẹt một bên vì chân người bệnh bị lật, vẹo hoặc đi bằng mu bàn chân. Lại có chiếc đế tròn, nhỏ bằng một nắm tay nâng đỡ cho bên chân chỉ còn lại mỗi gót chân bé tẹo… Phía sau những chiếc giày đó là bao câu chuyện đời dài dằng dặc, đo đếm bằng cực nhọc, đau đớn và mặc cảm.
Xưởng giày Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa hình thành từ những năm 1997, do 2 tổ chức phi chính phủ Handicap International (HI) và Hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan (NLR) tài trợ. Cả nước hiện có 7 cơ sở đóng giày cho người bệnh phong, ở các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum, Khánh Hòa và Quy Nhơn. Trong đó, cơ sở tại Quy Nhơn là lớn nhất, chịu trách nhiệm cung cấp vật tư, đào tạo kỹ thuật cho các nơi khác.
|
|
|
Trong 8 thợ giày đã có đến 7 người ở tại làng phong. Ngay từ những ngày đầu, họ đã có ý nguyện học nghề đóng loại giày đặc biệt này, bởi họ cũng là con, cháu của bệnh nhân phong. Sự đồng cảm và sẻ chia của những con người ấy có từ trong máu. Hơn ai hết, họ thấu hiểu bao khó khăn, bất tiện của người bệnh. Thiếu một thứ đơn giản nhất trong cuộc sống như đôi giày cũng trở thành một vấn đề nan giải.
Cuộc sống vốn không dễ dàng và càng khó khăn hơn với những người bệnh phong, có đời sống kinh tế thấp. Tuy nhiên, người dân ở đây không vì thế mà mất đi lòng yêu đời và mến khách. Dạo bước đến đây, khách xa cảm nhận được sự bình yên, hiền hòa dưới mỗi nếp nhà và nụ cười của người trong làng. Họ sẵn sàng mời bạn một bữa cơm giản dị, pha một ấm trà ngon hay kể cho bạn nghe những chuyện thời quá vãng.
Bình luận (0)