Những ngôi nhà cổ ở làng Công tra Lộc Thiện đang cần được duy tu và bảo tồn
Cụ Lộc, nhân chứng sống còn lại của làng Công tra Lộc Thiện - Ảnh Phước Hiệp |
Theo tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Bình Phước, do nhu cầu phát triển nhanhcác đồn điền cao su, năm 1920, những chủ đồn điền người Pháp ra tận các tỉnh miền Bắc, miền Trung tuyển mộ công nhân. Hàng chục ngàn phu cao su bị bức ép, phải bỏ nhà, bỏ quê vào Lộc Ninh làm thuê cho các chủ người Tây. Để có nhà ở cho phu cao su, chủ đồn điền đã cho xây cất nhà sàn. Tuy nhiên do nhà sàn không phù hợp với lối sinh hoạt của người Kinh nên vào những năm 1936 - 1939, chủ đồn điền lại cho xây dựng nhà trệt, bán kiên cố cho phu cao su ở. Tên gọi làng Công Tra có từ ngày đó.
Ngôi làng được xây dựng với khoảng 50 căn nhà, mỗi căn có diện tích 20 - 40m2.Tât cả được xây dựng nhất quán theo một loại hình kiến trúc như nhau, đó là kiểu nhà hai mái với hai cửa chính, hai cửa sau và hai cửa sổ. Căn nhà được ngăn đôi chính giữa bởi một tấm ván gỗ hoặc một mảnh vải. Hai hộ gia đình cùng chung sống trong một ngôi nhà. Tuỳ theo số người trong gia đình phu cao su được phân nhà lớn, nhà nhỏ. Nếu gia đình nào đông con hoặc có nhu cầu làm thêm nhà bếp thì có thể nới rộng nhà bằng tre, nứa tự kiếm. Những ngôi nhà nhỏ được quét cùng một màu sơn xanh, đánh dấu số thứ tự, chia làm 4 dãy dọc 2 ven đường.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Trưởng ấp 10 cho biết:"Làng Công Tra tương tự như mô hình đô thị hiện đại khép kín bao gồm: Nhà ở của phu cao su, nhà kho, cửa hàng tạp hóa. Ngoài ra người Pháp cũng xây thêm bệnh xá, nhà kho, nhà thờ, chùa chiền và phòng học để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân. Tuy nhiên, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhà thờ nằm cuối làng đã bị bom đạn tàn phá, từ đó đến nay cũng bị bỏ hoang, không ai lui tới. Chỉ còn chùa Vĩnh Lâm là ngôi chùa duy nhất tại làng Công Tra Lộc Thiện vẫn giữ nguyên kiến trúc xây dựng ban đầu, tượng Phật A Di Đà và Phật Di Lặc hiện đang được thờ cúng trong chùa cũng có từ ngày chùa mới được xây dựng".
Hiện nay, làng Công Tra Lộc Thiện chỉ còn lại 24 căn với khoảng 100 hộ dân, phân bổlàm 4 dãy chạy dọc hai bên con đường chính vào làng 10. Theo quan sát của chúng tôi thì thì một số ngôi nhà ở đây đã bị “biến dạng” không còn giữ được nguyên vẹn do người dân đã sửa chữa lại để thích hợp với cuộc sống hiện đại. Một số khác thì đang xuống cấp nghiêm trọng do người dân không đủ kinh phí duy tu.
Chỉ tay vào ngôi nhà được xem là “nguyên thuỷ” nhất làng, cụ Hoàng Thị Lộc (78 tuổi) cho biết: “Ngôi nhà tui đang ở được xây từ lúc tui vừa bốn tuổi, đến nay đã hơn 70 năm rồi. Nhà tuy chật chội, nhỏ hẹp nhưng được người Pháp xây dựng bằng gạch đúc nên khá vững chắc, chịu được mưa bão tàn phá".
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Vân,Cán bộ văn hóa - xã hội xã Lộc Thiện trăn trở cho biết: "Hiện nay, làng Công Tra Lộc Thiện đang có dấu hiệu xuống cấp. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên sở VH-TTDL Bình Phước để có biện pháp bảo tồn, tôn tạo làng Công Tra duy nhất còn tồn tại này, bởi làng như một nhân chứng sống ghi dấu một phần lịch sử của thủ phủ cao su Bình Phước".
Phước Hiệp
Bình luận (0)