|
Nghề rối từng được lưu truyền hàng trăm năm ở địa phương này. Trước đây, người dân cắm cọc tre, quây cót, che mành xuống nước làm sân khấu. Năm 1994, xã được tài trợ một thủy đình trong ao đình Nhân Hòa để biểu diễn phục vụ du lịch.
“Những năm đầu, ngày nào cũng diễn 4 - 5 ca, đoàn này ra, đoàn kia vào nhưng nay “năm thì mười họa” mới có đoàn ghé xem. Mỗi buổi biểu diễn, phường được trả khoảng 1 triệu đồng, trừ tiền điện, chè nước, chi phí bảo dưỡng đồ nghề... nên mỗi người, sau buổi diễn chỉ được khoảng 30.000 - 40.000 đồng thù lao. Nếu không có lòng đam mê, muốn giữ di sản của cha ông, thì mọi người bỏ hết rồi”, ông Trần Văn Phước, 70 tuổi, Trưởng phường rối nước Nhân Hòa tâm sự.
Lực lượng phường rối cũng ngày càng vơi dần, hiện chỉ còn 15 người, trong đó người trẻ nhất cũng đã ngoài 40 tuổi. Ông Phước cho biết, nhiều người trẻ đã từ chối thẳng thừng việc “kế tục”, một phần khi họ biết thù lao cho diễn viên thấp như vậy.
Sự mai một phường nghề còn có thể nhận thấy, khi nhìn vào ban thờ tổ nghề rối nước, trong căn nhà cấp 4 cạnh thủy đình. Đó là sự lạnh lẽo, mối mọt, bụi bặm, những bằng khen, giấy khen trên tường cũng hoen ố, trong tủ thì lèo tèo vài con rối nhem nhuốc.
Trong khi đó, nơi đây được khách du lịch đến Hải Phòng, tấm tắc khen. Theo anh Phạm Minh Vương, một hướng dẫn viên của Công ty du lịch Exotssimo Hà Nội, những đoàn khách mà anh dẫn tới đây đều rất thích thú và cho rằng đây là một điểm đến thú vị. Tuy nhiên, do hoạt động du lịch, văn hóa của Hải Phòng còn yếu nên cũng ít khách về xem rối Nhân Hòa.
Tâm sự về phường nghề này, ông Nguyễn Viết Bính, Trưởng phòng văn hóa huyện Vĩnh Bảo trăn trở: làng rối nước Nhân Hòa là một điểm đến trong tuyến du khảo đồng quê của TP.Hải Phòng nhưng lại phải “tự sản tự tiêu”, tự xây dựng tiết mục, tạc con rối và tìm đội ngũ kế cận.
“Chúng tôi đã có kế hoạch bảo tồn múa rối nước Nhân Hòa trong chương trình công tác trọng tâm năm 2015, nhưng đang phải chờ ngân sách để triển khai”, ông Bính nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Đức Quang, Trưởng phòng nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH-TT-DL Hải Phòng cũng thừa nhận, phường rối nước Nhân Hòa là điểm đến hấp dẫn của du lịch Hải Phòng nhưng không có sự đầu tư kinh phí để bảo tồn và phát triển. Hiện phường nghề này phải tự tìm mối với các doanh nghiệp lữ hành để tồn tại.
"Năm 2013, Sở chúng tôi đã đề nghị UBND TP.Hải Phòng, Bộ VH-TT-DL cấp kinh phí hỗ trợ để phát triển múa rối nước Nhân Hòa từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, song chưa được giải quyết", ông Quang nói.
Vũ Ngọc Khánh
>> Đến Paris xem múa rối nước
>> Triển lãm ảnh về múa rối nước
>> Múa rối nước Việt Nam đến Thụy Điển
>> Múa rối nước Việt Nam được hoan nghênh tại Indonesia
Bình luận (0)