Làng "sinh nguội"

03/02/2012 03:14 GMT+7

Theo tập tục cũ, sau sinh nở thì mẹ và con phải “nằm than” ở phòng kín, kiêng gió kiêng nước. Thế nhưng, với người làng Thanh Lương (xã Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình), sinh xong, mẹ và con tắm rửa liền và tắm liên tục mỗi ngày cho đến tròn tháng bất kể nắng hay mưa rét. Tập tục “ngược đời” ấy cho đến nay vẫn là ẩn số.

Chị Nguyễn Thị Hương (57 tuổi) vui vẻ giải thích: “Phong tục của dân làng này là thế. Từ bao đời nay, khi sinh chúng tôi không hề quạt than, chườm nóng cho mẹ và con. Sinh xong được người nhà bê thau nước vào rồi xối từ đầu xuống chân cho mẹ và con tắm rửa sạch sẽ dù bất kể thời tiết nào, đêm hay ngày. Trời nóng mỗi ngày phải tắm hai ba lần, tắm thì khỏe mạnh, không tắm bị đau đầu. Người mẹ sau sinh cũng phải ăn nguội, cơm và thức ăn nấu ra phải để cho nguội rồi mới ăn”. Tôi hỏi: “Vậy người mẹ và con có khỏe mạnh không?”, “Có chứ, rất khỏe mạnh là đằng khác. Đây này, con bé nhà này sinh hôm trước, hôm sau đã mặc quần đùi đi ra đi vào rồi”.

Người chị Hương nói đến là Bùi Thị Hiệp, cô sinh vừa tròn tháng. Đứa bé còn nhắm tịt mắt nằm gọn trong thau nước. Các bà, các chị đến chơi xúm đến cưng, khoát nước rưới từ đầu cháu bé xuống một cách ngon lành.

 
Chị Hiển (trái) cùng với các chị hàng xóm tắm cho cháu ngoại - Ảnh: T.Q.N

Tương truyền “giếng thần”

Bà Võ Thị Thích, 72 tuổi, còn rất khỏe mạnh, bước chân nhanh nhẹn, ánh mắt tinh anh, dẫn tôi đi xem giếng làng. Vừa đi, bà vừa kể, mệ Phù ở nhà đối diện đã 96 tuổi mà còn đan nón, nấu cơm. Bà bảo, tắm từng nào khỏe mạnh từng đó, mùa rét tắm ít nên hay đau đầu.

Một điều lạ là cái giếng làng cũ đó có thành hình vuông chứ không phải tròn như nhiều vùng khác. Bà Thích nhớ lại lúc đó cả làng dùng chung giếng nên phải thức dậy từ khi gà gáy để ra gánh nước. Chính bà cũng không biết tục không nằm than và tắm ngay sau khi sinh có từ lúc nào, chỉ biết lớn lên đã thấy và làm theo. Lúc đó, dùng chung giếng làng nên mọi người cho rằng làm được như vậy, tắm khỏe mạnh là nhờ nguồn nước “thiêng”. Nhưng bây giờ không sử dụng giếng làng nữa mà tục “sinh nguội” vẫn không có gì thay đổi. Phải chăng là tục lệ và mạch nguồn ở làng này đâu cũng giống nhau.

Nghe nhiều người kể, không phải bây giờ mà từ những năm 60 của thế kỷ 20, đã từng có nhiều đoàn cán bộ y tế về đây nghiên cứu nhưng kết quả thế nào thì người làng không hay biết.

Thực sự dân làng có khỏe mạnh không?

Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi Bùi Văn Đạng khẳng định chắc nịch: “Rất khỏe”. Chính ông còn khỏe chán so với tuổi 77, gặp buổi sáng nhưng mùi rượu đã phảng phất quanh ông, giọng sang sảng. Ông cho biết, thôn có 360 gia đình thì 170 cụ trong độ tuổi 60-90; trong đó trên 80 tuổi có 50 cụ. Có trường hợp vợ chồng cụ Võ Đắc 96 tuổi, Phạm Thị Lạy 95 tuổi.

Lý giải nguồn nước, ông Đạng bảo theo ông bà lưu truyền thì ngày xưa ở làng có một cái giếng to lắm, nước trong veo và không bao giờ cạn; bên cạnh giếng có một cây đa già tỏa bóng mát. Nhưng sau không hiểu lý do gì, giếng nước biến mất, cây đa cũng không còn và mạch nguồn của nó tỏa ra khắp làng. Con gái làng này ai nấy đều xinh đẹp, từ làn tóc cho đến nước da; con gái vùng khác đến đây lấy chồng, sinh sống ngày càng đẹp lên. Được biết, chính quyền địa phương đang tìm nguồn vốn để tu bổ, tôn tạo 2 cái giếng làng cũ.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.