* 10 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương nặng; 6.000 nhà dân bị ngập nặng
|
Trắng đêm chạy lũ
Mưa lũ còn phức tạp Trong ngày, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo mưa lũ sau bão số 2 còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía bắc cần đề phòng tình huống sạt lở đất, lũ quét, sẵn sàng phương án sơ tán người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. |
Ngay từ sáng sớm ngày 20.7, nước lũ từ thượng nguồn dồn về sông Kỳ Cùng, tràn lên bờ làm ngập sâu nhiều khu vực, gây ách tắc giao thông tại TP.Lạng Sơn. Ông Hoàng Văn Quang, trú tại khu phố Muối, P.Tam Thanh, cho biết ngôi nhà kiên cố của gia đình ông bị nước ngập sâu tầng 1. Tám người trong nhà ông cùng hơn 100 gia đình ở khu phố phải đi sơ tán từ đêm hôm trước. Khu chợ Giếng Vuông nằm kề khu phố chỗ ngập sâu từ 2 - 3 m. Lũ còn nhấn chìm nhiều cửa hàng kinh doanh của tiểu thương.
Tại xã Mai Pha, vùng ngoại thành của TP.Lạng Sơn, nước lũ tràn vào khiến 4/16 thôn ngập hoàn toàn, trên 200 gia đình phải sơ tán. Người dân lùa cả gia súc lên ven quốc lộ để tránh lũ, bảo vệ tài sản.
Cách TP.Lạng Sơn khoảng 40 km, người dân ở thị trấn Na Sầm (H.Văn Lãng) cũng khốn khổ vì nước lũ dâng lên từ sông Kỳ Cùng. Thông tin với Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Thành, một người dân ở thị trấn Na Sầm, cho biết ngay trong đêm, 200 gia đình ở thị trấn phải di chuyển khỏi nhà ở chạy đến các tòa nhà công vụ của chính quyền H.Na Sầm nằm ở vị trí cao hơn. Trong ngày, nước lũ nhấn chìm nhiều tuyến đường trong thị trấn, sâu nhất đến gần 1 m nước. Người dân phải kết bè để di chuyển qua lại.
Ông Hà Văn Tiên, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn, cho biết mưa lớn xảy ra ở khắp các huyện trong tỉnh trong 2 ngày qua là nguyên nhân gây lũ lụt ở khắp nơi. Mưa dồn dập với cường suất lớn khiến lũ trên sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Bắc Giang dâng cao.
|
Sạt lở, nhiều tuyến đường ách tắc
Thống kê của UBND tỉnh Lạng Sơn đến chiều 20.7 cho hay đã có 4 người chết, trong đó 3 người bị lũ cuốn trôi, 1 người do tai nạn sửa nhà. Toàn tỉnh đã có 6.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, trong đó khoảng 200 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, trên 2.000 ha lúa bị ngập và lũ cuốn trôi. Nước lũ còn gây sạt lở nghiêm trọng ở các tuyến QL1B, 4A, 4B, 279 với khối lượng sạt lở khoảng 32.500 m3 đất đá. Trên 1.200 quầy hàng ở chợ Đông Kinh và chợ Giếng Vuông phải di dời, tạm ngừng hoạt động.
Mưa lớn cũng khiến nhiều địa phương vùng núi phía bắc thiệt hại nặng. Tại Lào Cai, mưa giông chiều tối 19.7 kèm theo sét đánh trúng gốc cây ở khu vực núi Đá Thần, xã Xuân Hòa, H.Bảo Thắng làm 3 người chết tại chỗ, 3 người bị thương nặng đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa H.Bảo Thắng. Tại Cao Bằng, em Đặng Văn Minh (15 tuổi, ở xóm Khuổi Tặc, xã Hưng Đạo, H.Bảo Lạc) bị lũ quét cuốn tử vong khi đang đi đánh cá. Còn tại Thái Nguyên, mưa lớn là nguyên nhân khiến lở đá xảy ra tại mỏ khai thác đá Fanranit ở xã Lục Ba, H.Đại Từ làm chết 1 người. Ngoài ra, ở các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 2 đã có 9 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 136 nhà bị tốc mái.
|
Tại Lai Châu, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết đến tối 20.7 đã ghi nhận thiệt hại về người do mưa lũ. Trong khi đi xe gắn máy qua suối Nậm Puông (xã Nậm Cần, H.Tân Uyên), anh Nguyễn Lệ Tuyền (24 tuổi, quê Nghệ An) bị lũ cuốn đi cả người và xe. Thi thể anh Tuyền được tìm thấy trong ngày. Một nạn nhân khác là chị Giàng Thị Na (28 tuổi, trú bản Phìn Nga, xã Tà Lèng, H.Tam Đường) bị lũ trên suối San Thàng cuốn trôi khi đang trên đường đi chợ về, đến 21 giờ cùng ngày vẫn chưa tìm thấy. Tính đến chiều 20.7 mưa lớn đã làm hàng trăm khối đất đá sạt lở xuống đường, gây ách tắc giao thông tại Km 158+960 m trên QL170 của H.Tân Uyên và các xã biên giới Noong Hẻo, Nậm Mạ của H.Sìn Hồ, đường liên xã Đông Pao-Bản Hon của H.Mường Tè. Còn tại bản Giao Chản, xã Bản Lang, H.Phong Thổ có 4 hộ dân phải sơ tán do đất đá sạt lở trúng nhà.
Gần trăm xe khách, xe tải mắc kẹt trên đường lên cửa khẩu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết đến 21 giờ ngày 20.7, tuyến đường lên cửa khẩu Chi Ma vẫn bị gián đoạn do mưa lớn làm sạt lở nhiều đoạn, gây tắc QL4B. Ngoài ra, các tuyến đường đi lên cửa khẩu Nà Nưa (Lạng Sơn) và đi cửa khẩu Tà Lủng (Cao Bằng) đang bị ngập sâu ở đoạn qua thị trấn Thất Khê và Nà Sầm (Lạng Sơn). Giao thông bị gián đoạn khiến gần trăm xe khách, xe tải chở hàng lên cửa khẩu bị mắc kẹt trên đường. |
Phan Hậu
Bình luận (0)