(iHay) Làng Cù Lần là một trong những điểm tham quan ăn khách nhất ở Đà Lạt trong những năm gần đây.
Đường vào làng bạt ngàn hoa kim châm, tuy nhiên, nếu hái, khách sẽ bị phạt 200.000 đồng
|
Cái tên “cù lần” gợi sự tò mò và tôi thích hiểu theo nghĩa tính từ hơn là danh từ. Ngày trước, cứ chàng trai nào thích con gái nhà người ta, đến nhà chơi cứ ngồi yên một chỗ, không nói không năng gì thường được tặng cho biệt danh: “thằng cù lần”. Rồi bạn bè nhóm họp, nếu cũng là con trai, tỏ ra không ga lăng, ít nói, lầm lì, không mời bạn được ly nước, cũng bị phán: Thằng đó cù lần, chơi không được!
Làng Cù Lần ở đây là một địa danh, một tên làng xuất phát từ cây mang tên cù lần. Làng có diện tích chừng 30ha nằm trong khu rừng nguyên sinh hoang dã dưới chân núi LangBiang. Nhỏ nhắn xinh xắn, vẫn còn giữ được nét hoang dã thơ mộng của một miền núi, làng Cù Lần hấp dẫn du khách là vậy.
Ngay cổng vào ngôi làng, đơn sơ và dường như hơi nhuốm màu du lịch, rất dễ khiến du khách thất vọng. Song càng đi vào trong, men theo hàng trăm bậc cấp bằng đá, đường hẹp lối đi khá chông chênh, để xuống tận thung lũng, bạn sẽ bắt đầu có cảm giác thú vị. Hai bên lối đi là những thảm hoa đủ màu sắc, nhiều nhất là những thảm hoa kim châm màu vàng nhạt mọc đầy.
Cao nguyên trời vào thu se lạnh ngay cả giữa cái nắng ban ngày, nhưng đi hết mấy trăm bậc cấp, chắc chắn áo của bạn cũng bắt đầu đẫm mồ hôi. Và lẫn trong tiếng rì rào của thông như đang kể câu chuyện về vùng núi rừng kỳ bí không bao giờ dứt, mùi hương của cỏ cây hoa lá thoang thoảng trong gió thực sự chinh phục bạn, bước đầu trở về và đắm mình vào thiên nhiên hoang dã.
Theo một số người dân tộc ở đây kể, Cù Lần là tên một loài vật, có đôi mắt lồi to đen láy, thường cuộn tròn mình lấy hai chi trước che mắt khi gặp người lạ, bị săn bắt gần như tiệt chủng tại vùng núi này.
Đến làng Cù Lần, hỏi thăm về con vật này, đều nhận được những cái lắc đầu không biết. Tuy nhiên, hiển hiện rõ nhất ở đây lại là một loại cây mang tên cù lần. Vỏ thân cây phủ lớp lông dày màu nâu sậm y như màu lông con cù lần, mọc nhiều dưới tán rừng thông già và nếu lớp lông phủ trên thân cây bị bứt, rụng hay đốt cháy, sau cơn mưa, chúng lại phát triển trở lại.
Dê được thả trong làng
Nếu đi về trong ngày, khách có thể thuê xe jeep chạy dọc các triền đồi để khám phá thung lũng hoặc lội ào ào qua suối để sang quả đồi bên kia, rồi từ trên cao, phóng tầm mắt ngắm thỏa thê một ngôi làng yên bình dưới chân núi. Nếu đi theo đoàn, dạng “team building”, làng cũng sẽ có những “bungalow” xinh xắn để khách lưu trú và đêm đêm ra giữa sân làng đốt lửa trại, hát hò giữa núi rừng.
Trên lối từ khu nghỉ dưỡng ra khu sinh hoạt giữa làng, có một hồ nước với những chiếc lưới cá để khách có thể buông lưới bắt cá giải trí hoặc chèo ghe ra hồ ngắm cảnh. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến, những chiếc cầu gỗ, bè tre nay khá cũ, trông không còn an toàn lắm. Nên nếu muốn, bạn nên đứng trên bờ mà ngắm, không nên “nghịch dại” leo lên những chiếc bè tre đó để du ngoạn, khá nguy hiểm.
Một điểm khác đáng quan tâm tại Làng Cù Lần là chợ Chồm Hổm được xây dựng cạnh khu sinh hoạt chung của làng. Nơi đây bày bán nhiều vật dụng lưu niệm của người dân tộc, của Đà Lạt, trưng bày nhiều phiên bản tượng nhà mồ, gùi, vỏ cây, dây thừng… trong văn hóa lịch sử của người dân tộc K’Ho, dân tộc Chil.
Hồ nước giữa làng
|
Làng được bao bọc quanh bởi dòng suối và rừng thông
|
Những bảng tên chỉ lối vào làng
|
Suối chảy quanh làng
|
Từ trên cao nhìn xuống làng
|
|
|
Làng Cù Lần còn lưu giữ được nét hoang dã mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên mà nếu có dịp, bạn nên một lần đến để biết và cảm nhận.
Bài và ảnh: Nguyên Nga
>> Viên ngọc cổ kính Mằng Lăng ở Phú Yên
>> Khung cảnh trời mây, non nước tuyệt đẹp ở chùa Cái Bầu
>> Ngồi thuyền qua 9 cây cầu ngắm Sài Gòn
Bình luận (0)