Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 2: Trảng Còng và nhạc Hoàng Việt

22/04/2014 03:15 GMT+7

Cái quán mà tôi với Hùng Nam chạy mua rượu nằm ở một địa danh rất nổi tiếng trong âm nhạc Việt: trảng Còng. Ai đã từng nghe bài hát Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt, hẳn đều nhớ tên trảng Còng: “Em chèo thuyền đi lên rẫy trảng Còng...”.

 Nhà thơ Thanh Thảo và nhà văn Nguyễn Chí Trung - “trại trưởng” Trại sáng tác Quân khu 5 sau giải phóng - Ảnh: Trần Đăng
Nhà thơ Thanh Thảo và nhà văn Nguyễn Chí Trung - “trại trưởng” Trại sáng tác Quân khu 5
sau giải phóng - Ảnh: Trần Đăng

Hóa ra, căn cứ của chúng tôi ở cách trảng Còng nổi tiếng này không bao xa, vậy mà nếu không gặp được nhạc sĩ Xuân Hồng, chắc tôi vẫn không biết mình hay mua rượu ở một nơi đã vào “bài hát đi cùng năm tháng”.

Một lần, Cao Xuân Phách, bạn tôi, cùng nhạc sĩ Xuân Hồng đi công tác đâu đó qua trảng Còng, tình cờ gặp tôi. Chính anh Xuân Hồng đã kể chuyện về Hoàng Việt và trảng Còng - một trảng rẫy nằm ven sông Vàm Cỏ Đông. Hồi kháng chiến chống Pháp, người dân từ “dưới ruộng” lên trảng này tăng gia sản xuất trồng lúa rẫy, gặp mùa bão lụt năm Thìn (1952) cực khổ quá, phải vì thế mà có bài ca Lên ngàn bất tử của Hoàng Việt. Về tên gọi “trảng Còng”, dường như trảng rẫy này mùa nước ngập có rất nhiều con còng. Biết đâu chính từ đây đã sản sinh ra câu hò ngọt ngào: “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/Về sông ăn cá/Về đồng ăn cua” mà người Nam bộ nào cũng thuộc nằm lòng.

Rẫy Còng - trảng Còng, sông Vàm Cỏ, còn đồng là Tây Ninh hay Long An. Nhạc sĩ Xuân Hồng trông tướng rất nông dân Nam bộ, thiệt thà và cởi mở. Chính câu chuyện về trảng Còng của Xuân Hồng đã giúp tôi sau này khi viết trường ca Những người đi tới biển có được một đoạn thơ cảm động về nhạc sĩ Hoàng Việt và bài hát Lên ngàn.

bây giờ không còn anh

mỗi chúng tôi còn một cuộc đời

trên bàn tay mở ra cân nhắc

tôi chưa hề tin phép lạ

nhưng tôi tin kỳ diệu những lời cất lên từ trái tim

ngôi sao hát lúc tối trời

dòng sông miên man chảy

hai mươi năm vợ anh vẫn chèo xuồng ngược nước

lặng lẽ cứu từng bông lúa

đưa ta qua mắt nhìn thẳng những vực sâu

con người không thể thiếu bài ca

dù chỉ một lần một lần thôi

đã hát” (Những người đi tới biển)

Nhân nói về bài hát Lên ngàn và nhạc sĩ Hoàng Việt, lại thêm một lần ngạc nhiên: Sao thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta có quá nhiều nhạc sĩ tài năng và tâm huyết như thế nhỉ? Nếu tính, văn học nghệ thuật đã góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến như thế nào, thì công đầu phải thuộc về âm nhạc. Thơ ca chỉ đứng thứ hai. Nếu không có “nhạc đỏ”, làm sao chúng tôi vượt qua được Trường Sơn? Chỉ nghe lại một giai điệu của Vũ Trọng Hối thôi: “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/Đá mòn mà đôi gót không mòn...” là đã thấy hiện trước mắt mình cả Trường Sơn của một thời mãnh liệt, khổ đau, hùng vĩ.

Có lần, chuyện trò với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, anh nói: Một điều lạ, là suốt thời chiến tranh, âm nhạc của chúng ta gần như không có một bài ca nào về hạnh phúc, một niềm hạnh phúc bình dị của con người, kiểu như “Tết Tết Tết Tết đến rồi...”. Đúng như thế! Đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta đã phải hy sinh quá nhiều, mà trong đó, hy sinh lớn nhất là hy sinh hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình. Chúng ta không có hạnh phúc, không được hưởng hạnh phúc thật sự, mà chỉ “nghĩ” về hạnh phúc thôi, thì làm sao viết được những bài hát về niềm hạnh phúc giản dị nhỏ nhoi của con người? Phải hiểu đến mức tận cùng đó để yêu thương hơn nhân dân mình. m nhạc thời chống Mỹ của chúng ta, dù không thể hiện được niềm hạnh phúc bình dị của con người, nhưng lại thể hiện rất cháy bỏng khát khao hạnh phúc. Một khát khao ghê gớm, nhất là khi con người chưa có nó nhưng bao giờ cũng mong có nó. Bài Tình ca bất tử của Hoàng Việt chính là bài hát về niềm khát khao hạnh phúc của cả một dân tộc.

Có một câu chuyện, tôi nghe được từ GS Lê Hoài Nam - cháu ruột nhà thơ Bích Khê - một câu chuyện thật hay: NSND Quốc Hương - một giọng ca “hàng hiệu” của âm nhạc cách mạng - gần như là “ca sĩ độc quyền” của bài hát Tình ca, dù thời ấy có rất nhiều ca sĩ “xịn” hát bài này. Sau giải phóng, chị Thu An - cháu ruột nhà thơ Bích Khê - một tù nhân chính trị Côn Đảo mới được trở về, làm bí thư chi đoàn, và chị Thu An tổ chức một buổi giao lưu văn nghệ trong chi đoàn mình, may mắn mời được nghệ sĩ Quốc Hương tham gia. Trong buổi giao lưu, chị Thu An đề nghị nghệ sĩ Quốc Hương hát bài Tình ca cho mọi người nghe. NSND Quốc Hương nói, nửa đùa nửa thật: “Bài Tình ca này, tôi chỉ hát cho người tôi yêu nghe thôi. Ở đây, ai là người tôi yêu nào?”. Câu nói đùa ấy, hóa ra, thành chuyện thật. Sau đó, nghệ sĩ Quốc Hương và Thu An... yêu nhau, rồi cưới nhau, chắc chị Thu An đã tha hồ nghe anh Quốc Hương hát bài Tình ca dành riêng tặng chị. Đó là một kết thúc rất “có hậu” của bản Tình ca, mà khi viết, chắc chắn nhạc sĩ Hoàng Việt chỉ mong ước nó thành hiện thực như thế.

Bởi nghe kỹ, trong bài hát đầy khát khao ấy vẫn có ẩn một nỗi đau sâu thẳm. Đó là Việt Nam. Đau khổ và kiêu hãnh. Từ hàng ngàn năm. Đọc Nguyễn Trãi: đau khổ và kiêu hãnh. Đọc Cao Bá Quát: đau khổ và kiêu hãnh. Đọc Nguyễn Đình Chiểu: đau khổ và kiêu hãnh. Đất nước chúng ta quả thật không may mắn. “Bao tai ương cứ dội xuống theo mùa” (Những người đi tới biển). Nhưng muốn khác cũng không khác được! (Còn tiếp)

Thanh Thảo

 >> Lang thang qua chiến tranh: Nhìn khuôn mặt chiến tranh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.