>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 2: Trảng Còng và nhạc Hoàng Việt
>> Lang thang qua chiến tranh: Nhìn khuôn mặt chiến tranh
|
Con suối này tương đối sâu, nên cá khá nhiều, chủ yếu là cá đỏ đuôi. Chúng tôi kiên trì ngồi buông cần, không phải câu cá để thư giãn, hay để nghĩ chuyện lớn, mà chăm chắm câu kiếm cá cho bữa cơm chiều. Dạo đó thức ăn nhà bếp quá hẻo, tôi với Lê Điệp mặt thằng nào cũng xanh lét do sốt rét và ăn thiếu chất, nên câu cá cải thiện là “việc cần làm ngay”. Muốn có tiền, tôi với Lê Điệp phải lên phòng y tế của đài xin thuốc sốt rét, và “thật thà khai báo” là bị suy kiệt trầm trọng. Chị y sĩ khá dễ tính, cho thuốc lại còn kèm theo đơn xét bồi dưỡng. Tôi với Lê Điệp mỗi thằng được 100 riel (tiền Campuchia). Quá tốt! 200 riel này có thể mua được hơn 2 lít rượu “đồng bào”. Chúng tôi tiêu từ từ, mỗi lần ra phum sóc lại mua nửa lít. Cứ thế, mỗi bữa chiều chúng tôi kêu thêm vài thằng bạn nữa, mồi nhậu là cá câu được, rượu “đồng bào” nửa lít, đủ lai rai rồi. Nhậu xong tối xuống hầm ngủ, tránh bom B52.
Thời gian ở đài, tôi với Lê Điệp hay chơi với anh Nguyễn Ngọc Hải, vốn là cựu sinh viên Khoa Văn Tổng hợp Hà Nội, như thế là đồng môn với tôi, dù anh Hải học trên tôi 4, 5 lớp gì đó. Học xong, anh vừa về một cơ quan ở Hà Nội thì được động viên đi bộ đội, vào chiến trường, làm lính trơn. Anh vào B2 khá sớm, công tác ở Phòng Tuyên truyền của sư đoàn, cũng đã lăn lộn qua nhiều chiến dịch, cuối cùng về Đài Giải phóng làm biên tập viên Ban Văn nghệ. Tôi với Lê Điệp hay chơi với anh Hải vì ở “nhà sàn” của anh (trong rừng) hay có thứ này thứ kia có thể lót lòng cho qua cơn đói. Anh Hải thích chơi với chúng tôi vì hai thằng tôi, để có gì ăn, rất chịu nghe chuyện của anh, mà anh thì chỉ có mỗi nhu cầu “trút bầu tâm sự” rất linh tinh. Kệ.
Còn nhớ, những món ăn được ở nhà anh Hải thường rất... kinh. Chẳng hạn món cơm rang. Cơm ăn thừa anh Hải tích trữ không biết qua bao nhiêu ngày, còn mỡ để chiên cơm thì lý lịch hết sức tù mù, chắc chắn là không được vệ sinh lắm. Anh Hải có thói quen nằm trên nhà sàn một mình, radio mở rất to, Đài Giải phóng hay Đài Hà Nội gì đó, anh cứ nằm, một tay cầm đũa liên tục khuấy đảo chảo cơm rang, mắt lơ mơ chả biết thức hay ngủ, còn cái radio thì nó kêu cho vui thôi chứ anh cũng chả nghe. Những lúc đó, tôi với Lê Điệp nhẹ nhàng đến với anh, và anh Hải bật dậy như một người lính... choàng tỉnh: “Cơm rang nhé!”. Vâng, thì cơm rang. Ba chúng tôi lại hì hụi với nhau, mỗi người một bát. Lúc đói thì ăn gì chả ngon! Chuyện linh tinh như tép nhảy. Thường những lúc ấy, đột ngột anh Hải bảo: “Các cậu đưa tớ mượn khẩu K54!”. Hỏi anh mượn súng làm gì, anh Hải nói: “Các cậu ở nhà, mình ra phum sóc đồng bào xem có rượu mua vài xị, anh em mình lai rai”. Súng ngắn thì có ngay, nhưng tôi với Lê Điệp vẫn hỏi thêm: “Đi mua rượu chứ có phải đi chiến trường đâu mà ông đeo súng ra phum?”. Anh Hải cười cười khá bẽn lẽn: “Mình đeo súng ngắn để bà con bán rượu tốt hơn và rẻ hơn”. Ra thế! Thêm một tính năng mới của súng ngắn K54 mà anh Hải dạy chúng tôi: đeo súng ngắn đi “shopping” thì mua được rượu tốt hơn, rẻ hơn. Thực ra, chúng tôi biết anh Hải mượn súng ngắn nhằm “giải quyết khâu oai” là chính. Nhìn anh nai nịt quân phục, mũ tai bèo, thắt lưng súng ngắn, “độc hành” ra phum sóc... mua rượu, thật không nhịn được cười.
Nhiều lúc ngồi chuyện trò với anh Hải trên “nhà sàn”, anh kể chuyện về gia đình nhà mình, nhìn mắt anh thật buồn. Một nỗi buồn anh cố giấu mà không giấu được. Khi đi chiến trường, anh Hải đã lấy vợ, và có một cháu gái tên Nguyễn Ngọc Diễm Hà. 5 năm anh Hải ở chiến trường B2, cháu Hà đã lên 5 tuổi. Tôi có viết một bài thơ nhỏ tặng anh và cháu Hà, lấy tên là Trăng con. Đó là bài thơ nhằm cổ vũ niềm lạc quan hy vọng cho anh Hải về một ngày mai đoàn tụ gia đình, nhưng khi đọc lại, tôi vẫn thấy nó buồn bã thế nào. Hay đó là “cảm giác lạc quan - buồn bã?”.
Nhiều năm sau giải phóng, trong một cuộc vui khá đông do Hội Nhà văn chiêu đãi ở Hà Nội, tôi gặp lại anh Hải. Chúng tôi ôm nhau, mừng quá. Anh Hải vẫn gần như xưa, nhưng bây giờ anh nói nhiều hơn, cố tỏ ra lạc quan hơn. Sao tôi vẫn thấy trong mắt anh một nỗi buồn không thể dập tắt. Anh Hải ơi, đã có cái gì xảy đến cho anh ? Rồi tôi biết, cháu Hà đã lớn, đã lấy chồng, nhưng gia đình anh, cái gia đình nhỏ bé trong bài thơ nhỏ bé Trăng con của tôi, đã tan vỡ.
Thanh Thảo
Bình luận (0)