>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 4: Nhà thơ thử nói về hạnh phúc
|
Điều đó, tôi không thấy ở Sài Gòn, dù Sài Gòn trong bao nhiêu năm vẫn nằm trong “vùng phủ sóng” của chiến tranh, thậm chí chiến tranh đã từng vào trong các đường phố Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968. Vì Sài Gòn chưa bao giờ đội bom B52 Mỹ như Hà Nội. Vì Sài Gòn chưa bao giờ, trong nhiều năm liền, liên tục bị một lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới như không quân Mỹ uy hiếp, bắn phá, dội bom cả. Thành phố cũng là một cơ thể sống. Khi nhiều năm dài phải sống trong căng thẳng tột cùng như thế, rồi đột ngột, qua khỏi thảm họa, ra khỏi chiến tranh một cách khó tin, thì làm sao giữ được một tinh thần cân bằng, một tâm thế bình thường cho được? Sau giải phóng, tôi đã ngạc nhiên: vì sao người Sài Gòn hồn nhiên như thế? Có lẽ họ vui nhất, vì hòa bình đã hiện diện trên đường phố. Những “đám rước” ở các đường phố Sài Gòn năm 1975 là những “đám rước Hòa Bình”, mừng hòa bình. Mừng cuộc sống sẽ yên ổn. Họ ùa cả ra đường, và tham gia rất nhiều các hoạt động nửa tuyên truyền nửa vui chơi trên đường phố.
Trong khi, ngược lại, những hoạt động tuyên truyền ở Hà Nội thì rất nghiêm túc, thậm chí cứng đờ, không bao giờ kèm yếu tố “vui chơi” cả. Người Sài Gòn có vẻ dễ tính, đã đành, nhưng chính hoàn cảnh của thành phố, tính cách nội tại của thành phố đã phát huy sự dễ tính dễ thích nghi ấy. Hà Nội mà tôi yêu tha thiết, mà tôi nhớ về trong bao nhiêu năm, sau giải phóng lẽ ra phải là một thành phố hạnh phúc, nhưng hình như không phải vậy. Đúng là Hà Nội quá khó khăn về vật chất, thậm chí, rất khốn khổ. Đi trên các phố thấy hàng hóa lèo tèo, chỉ tuyền những quán giải khát xập xệ bán độc “chè đỗ đen có đá”. Đá lạnh trở thành một nhu cầu, thậm chí như đặc sản. “Có đá!”, đó là một tiếng reo. Điều tôi vui mừng nhất khi trở về Hà Nội, sau khi được gặp thầy má mình, là gặp bạn bè.
Nhà thơ Trúc Thông, bạn thơ từ hồi tôi còn ở Hà Nội, nghe tin tôi về, đã sang ngay tận nhà tôi bên Trại tằm Gia Lâm. Anh em gặp nhau vô cùng sảng khoái. Rồi nhiều bạn cũ của tôi, ai cũng mừng khi gặp lại nhau. Lại đạp xe hay đi bộ lang thang Hà Nội, cả ban ngày lẫn ban đêm. Lại qua cầu Long Biên để nhìn ngắm sông Hồng. Lại “chè đỗ đen có đá”, và nhất là, bia hơi. Sau bao nhiêu năm, điều mà tôi thấy Hà Nội không thay đổi, điều mà tôi sướng nhất ở Hà Nội, chính là những quán bia hơi vỉa hè. Đó mới thực sự là một nét văn hóa của Hà Nội. Chen lấn xếp hàng mua chục vại bia trào bọt trắng, chỉ kèm thêm mấy gói lạc rang húng lìu hay món nộm giản dị, là anh em bạn bè chúng tôi có thể lai rai bao nhiêu là chuyện, nhấm nháp bao năm tháng đã trôi qua, và hy vọng mơ hồ về những ngày sắp tới. Cứ ngồi bệt xuống các vỉa hè không lấy gì làm sạch sẽ, lấy mặt vỉa hè làm bàn nhậu, lấy không khí quán bia hơi làm gia đình, chúng tôi tự nhiên lại có cảm giác hạnh phúc. Một cảm giác không dễ có vào lúc bấy giờ.
Tôi nhớ, khi tôi với bạn Nguyễn Chính từ chiến trường B2, với Thái Bá Lợi từ chiến trường Khu Năm, ba anh em ngồi bệt vỉa hè phố Đường Thành uống bia hơi, chúng tôi đã vô cùng thỏa nguyện. Chỉ ba anh em mà uống tới hơn hai chục vại bia, lại uống buổi trưa, nên say xỉn, nôn ọe tùm lum. Tôi nhớ, đúng lúc ấy, một anh công an khu vực đã hỏi chúng tôi có mệt lắm không? Tôi với Thái Bá Lợi nói, anh em chúng tôi vừa ở chiến trường ra, gặp nhau mừng quá, chỉ uống có một vại bia mà say. Thực ra, mỗi đứa chúng tôi đã uống gần… chục vại. Say là phải. Anh công an tin lời chúng tôi, những thằng lính từ chiến trường ra, và anh đưa chúng tôi vào một hàng giải khát gần đó, gọi nước cam cho chúng tôi uống giải rượu. Lúc đó, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. 5 năm mình lang thang qua chiến tranh không uổng. Mình đã được yêu quý, được tôn trọng. Phải vì thế, mà anh bạn Đồng “đen” của tôi, khi vừa từ Huế ra Hà Nội, đã quyết định làm đám cưới với người con gái chờ đợi anh 5 năm, khi anh vào chiến trường Trị-Thiên. Biết đâu, quyết định ấy chợt đến lúc anh với chúng tôi ngồi bia hơi vỉa hè Đường Thành hay đâu đó?
Với đám cưới của vợ chồng anh Đồng “đen” ở Hà Nội, thì tôi với Trúc Thông cùng nhiều bạn học (anh Đồng học cùng lớp với tôi) và bạn bè ở chiến trường của anh Đồng đều đến dự. Đám cưới hồi ấy đơn sơ tới mức “tối giản”, đã không biết đến “văn hóa phong bì” (làm gì có tiền mà bỏ phong bì), cũng chẳng có quà mừng gì bao lăm. Cùng lắm thì được cái xoong hay ngon hơn là cái chậu thau nhôm, vậy thôi.
Thanh Thảo
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 3: Cơm rang và Trăng con
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 2: Trảng Còng và nhạc Hoàng Việt
>> Lang thang qua chiến tranh: Nhìn khuôn mặt chiến tranh
Bình luận (0)