Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 7: Gặp ông Sáu Dân trong rừng

27/04/2014 03:00 GMT+7

Nói đến chuyện uống rượu trong rừng, lại nhớ ngày đầu tiên tôi qua được đường Trường Sơn và tập kết về “cứ” Binh vận, chấm dứt cuộc hành trình dài 4 tháng, trong đó có 1 tháng phải nằm ở hai bệnh xá đường dây vì sốt rét.

 
Từ trái sang: Các ông Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Xô, Phạm Thái Bường và Võ Văn Kiệt thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam - Ảnh: Tư liệu

Khoác ba lô về B6 -Tuyên truyền Binh vận, mới kịp chào hỏi thì lên… cơn sốt rét. Sốt cao. Thủ trưởng B6 nói đưa tôi về ở tạm nhà anh Tư Quang, cán bộ biên tập. Tôi lê về nhà anh Tư, mắc võng nằm rên hừ hừ. Anh Tư Quang là người rất chăm chỉ. Nhìn ngôi nhà lợp lá trung quân trong rừng của anh thì biết. Cột nhà làm bằng gỗ tốt. Lá lợp rất đều, rất công phu, rất đẹp. Có cả giường nằm, do anh Tư đóng. Ở rừng như vậy là thuộc hàng “đẳng cấp” rồi. Tôi nằm nhà anh Tư, sốt tới ngày thứ hai thì xảy ra chuyện. Buổi trưa, anh Tư Quang đi đâu đó ngoài rừng khá lâu. Chợt anh chạy về hớt hải la lên: “Mới chém được con hổ đất to lắm!”. Tôi bật dậy. “Hổ đất” ư? Tôi chưa từng thấy. Anh Tư hô mấy anh em bảo vệ theo anh ra rừng. Lát sau, nghe ồn ào quá cỡ. Rồi mọi người hoan hỉ kéo về, kèm theo một con… rắn. Bị chém đứt ngang lưng. Con rắn đen mun, to hơn cổ chân sốt rét của tôi. Anh Tư Quang hồ hởi kể chuyện: “Mình ra ngoài rừng tính bứt dây mây. Chợt buồn… ị. Bèn kiếm chỗ. Có một cây to ngã ngang, đã bắt đầu mục. Mình ngồi lên cây cho thoải mái. Lúc vừa xong việc, nhìn xuống thì… ôi! Gần ngay phía sau lưng mình, cạnh cây mục, là một… con rắn hổ đất đen mun. Con rắn đang… ngủ. Chắc nó no mồi, nên nằm im đặng tiêu hóa. May mà mình đi rừng lúc nào cũng cầm theo cây rựa bén. Nhẹ nhàng, mình lựa thế, rồi chém ngang thân con rắn một phát”.

Nhìn anh Tư Quang kể chuyện chém rắn, tôi chợt nhớ đến chuyện chém rắn khởi nghĩa ở bên Tàu hồi xa lắc. Hóa ra, sau mới biết, anh Tư Quang, dân Bến Tre, vốn là đại úy trong quân đội Sài Gòn, nhưng lại là cơ sở cách mạng, anh Tư Quang đã từng… khởi nghĩa. Anh cầm đầu một đơn vị quân Sài Gòn khởi nghĩa về với VC. Sau đó anh lên chiến khu, trở thành nhà báo, biên tập viên Ban Tuyên truyền Binh vận R. Gần như nửa cơ quan B6 đã lao vào con rắn… chết này để làm thịt nó. Nhậu. Buổi chiều hôm ấy, lần đầu tiên trong đời tôi được ăn cháo thịt rắn hổ đất hầm đậu xanh. Với tôi, chưa có món cháo nào trên đời ngon đến thế! Chưa hết. Thịt rắn hổ đất xào lá lốt hay lá gì đó, là món nhậu tuyệt hảo. Mười mấy người tham gia “tiệc hổ đất” này, uống ngót chục lít rượu “đồng bào phum sóc”. Tôi ăn rất nhiệt tình, và uống rượu rất kinh! Bất chấp mình đang cơn sốt rét. Vậy mà, kỳ lạ thay, buổi sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy mình khỏe rân. Cơn sốt rét biến đâu mất. Tôi hết sốt luôn. Khỏi luôn. Cảm ơn anh Tư Quang, người khởi nghĩa trước rồi mới chém rắn sau. Chém rắn chỉ để… nhậu. Tôi bắt đầu cuộc sống ở chiến khu từ bữa “tiệc hổ đất” ấy. Không bõ công đi bộ hai ngàn cây số. 

Rồi có một lần tôi với Lưu Kiểng Xuân lang thang trong rừng thuộc căn cứ Binh vận. Chúng tôi đi uống rượu ở một “cứ” khác, cách dăm bảy cây số gì đó, đang trên đường về. Trời nóng, hai anh em lại có hơi men, nên cởi trần, vắt áo trên vai, cho nó mát. Đang đi bộ thì phía đối diện có một nhóm người đi xe đạp. Người dẫn đầu đoàn ấy, hóa ra là ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Thấy hai chúng tôi, ông Kiệt chủ động xuống xe đạp, chào hỏi, bắt tay hai thằng lang thang này rất thân tình. Xong lại lên xe đạp đi. Tôi với Tư Xuân cũng bắt tay thủ trưởng của mình một cách vui vẻ, vẫn cởi trần, và áo vẫn khoác vai. Đó là lần duy nhất tôi gặp ông Võ Văn Kiệt. Và tôi thấy ông này hay. Giá như người khác, cứ ngồi trên xe đạp, giơ tay chào chúng tôi, cũng xong. Hoặc không thèm chào, cứ thế đạp xe qua, cũng chả ai nói gì. Nhưng ông Kiệt đã xuống xe, đàng hoàng và lịch sự bắt tay chúng tôi, hai thằng lính đang cởi trần. Có thể Tư Xuân thuộc thành phần "khách", còn tôi đâu phải khách, cũng chả là gì. Nhưng ông Kiệt đã hành xử rất văn hóa. Mà đã văn hóa thì chỉ có con người với con người, không cấp dưới cấp trên gì hết.

Đó là cách đối nhân xử thế đẹp của ông Võ Văn Kiệt, để về sau này, giới trí thức hay văn nghệ sĩ Sài Gòn rất "chịu". Muốn hòa giải hòa hợp dân tộc, trước hết, phải biết cư xử với nhau cho có văn hóa. Và phải bắt đầu từ nội bộ mình, trước khi thể hiện với người ngoài. Thiếu món "văn hóa" này thì khoan hãy bàn chuyện khác. Không có gì ngạc nhiên, khi chính ông Võ Văn Kiệt về cuối đời, là người lãnh đạo trăn trở nhất về chuyện "triệu người vui, có triệu người buồn", về hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Tôi nghĩ, lãnh đạo mà như ông Võ Văn Kiệt là lãnh đạo tốt.

Thanh Thảo

>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 6: Gặp Trịnh Công Sơn
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 5: Bia hơi Hà Nội
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 4: Nhà thơ thử nói về hạnh phúc
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 3: Cơm rang và Trăng con
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 2: Trảng Còng và nhạc Hoàng Việt
>> Lang thang qua chiến tranh: Nhìn khuôn mặt chiến tranh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.