Có mặt tại tiểu khu rừng 132 thuộc dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới ở xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, chúng tôi chứng kiến từng vạt rừng bị cưa đổ ngổn ngang, nhiều đống cây khô đang cháy nham nhở. Nhiều nhà chòi được dựng lên chắc chắn bằng cây gỗ to giữa các khu rừng bị chặt phá. Gần cuối mùa khô, có vẻ rừng nơi đây được gấp rút dọn sạch sẽ để chuẩn bị gieo trồng hoa màu khi mưa xuống. Anh Nguyễn Hải Đường, cán bộ Hạt kiểm lâm huyện đang kiểm tra địa bàn, cho biết: "Có đến 21 hộ dân vào phá rừng trái phép, lấy đất canh tác vài năm nay ở tiểu khu rừng này, chủ yếu từ các xã lân cận như: Ia Jlơi, Ea Rốk của huyện Ea Súp, và cả một số hộ ở địa bàn Gia Lai. Nơi đây cách huyện Chư Prông của tỉnh bạn chỉ qua con suối Ia Lốp". Nhiều ngày trước, anh Đường cùng các cán bộ kiểm lâm vào đây lập biên bản và vận động các hộ dân tự dọn lán trại, di dời khỏi địa bàn này. Thế nhưng khi quay trở lại, các hộ này không những không rút đi mà còn chặt phá thêm rừng để làm rẫy mới. Đặc biệt, nhiều hộ đã vi phạm chặt phá các khu rừng phòng hộ thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt.
Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Đắk Lắk |
Anh Hoàng Quốc Bảo, Phó ban quản lý dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới, cho biết: trong số 2.812 ha của dự án, có 1.010 ha rừng được giao khoanh nuôi bảo tồn tuyệt đối, khoảng 1.000 ha rừng khoanh nuôi có tác động và 461 ha rừng nghèo được chuyển đổi sang đất nông nghiệp, phục vụ sản xuất của các hộ thanh niên. Dự kiến, phần lớn đất chuyển đổi sẽ được liên kết với Tập đoàn Cao su Việt Nam khai hoang trồng cao su trong những năm tới. Tuy nhiên, để triển khai kế hoạch sản xuất trên đất đã quy hoạch và bảo vệ diện tích rừng được giao, Ban quản lý dự án đang phải giải quyết những khó khăn đặt ra từ các hộ dân phá rừng, xâm canh trên diện tích gần 30 ha.
Trao đổi về hướng xử lý tình trạng này, anh Nguyễn Quang Thuân, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, cho biết: Cuối tháng 3.2009, Tỉnh Đoàn đã làm việc với lãnh đạo huyện Ea Súp, thống nhất phương án vận động, thuyết phục các hộ dân xâm canh trái phép giải tỏa lán trại, chấm dứt việc lấn chiếm đất rừng. Tuy nhiên, để làm tốt việc giải tỏa, ngoài lực lượng thanh niên của làng, hiện rất cần sự phối hợp của các ban, ngành ở huyện và chính quyền xã Ia Lốp khi sử dụng các biện pháp cưỡng chế. Theo anh Thuân, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cũng đã đề xuất thực hiện phương án xem xét trong các hộ dân đã xâm canh đất dự án, hộ nào có đủ tiêu chuẩn và có nhu cầu, sẽ đưa vào định cư như một thành viên trong Làng thanh niên lập nghiệp biên giới.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)