Lãng tử xứ Gô Loa mang hồn Việt

24/09/2012 09:18 GMT+7

Với giá vẽ, giấy dó, bát mực tàu và người vợ Việt, "chàng" họa sĩ Jean Cabane trong vóc dáng của một ngự lâm quân lãng tử, kiêu kỳ nhiều năm nay mải mê với hành trình đi tìm cái Đẹp và nâng đỡ những phận nghèo bất hạnh…

Với giá vẽ, giấy dó, bát mực tàu và người vợ Việt, "chàng" họa sĩ Jean Cabane trong vóc dáng của một ngự lâm quân lãng tử, kiêu kỳ nhiều năm nay mải mê với hành trình đi tìm cái Đẹp và nâng đỡ những phận nghèo bất hạnh…

Lúc chúng tôi tìm đến nhà riêng của Jean ở cuối khu xóm nhỏ của phường Cẩm Thanh (TP Hội An) mặt trời đã đứng bóng. Jean vẫn đang mải mê với những tập giấy dó, chì, cọ…

Khoảng lặng Việt

Jean Cabane nói rất khó khăn để định nghĩa về vẻ đẹp Việt, con người Việt. Nó mơ hồ nhưng rộng và sâu trong suy nghĩ ông, nên thường những bức tranh của ông dù vẽ về cảnh, người cũng đều chừa một khoảng trống, khoảng lặng để suy tư nhiều hơn về vẻ đẹp lạ lùng đó.

Jean Cabane vẽ không nhiều. Cũng không áp đặt một khoảng thời gian nhất định nào để một bức tranh ra đời, và cũng chẳng có cái giá nào ấn định cho những bức “tâm thư” đó.

Tranh Jean mang tính trừu tượng, nhưng khi qua Việt Nam nó truyền tải nhiều vẻ đẹp của những đồng quê, người lao động lam lũ, những trẻ nghèo nơi bản xa hẻo lánh và cả những linh hồn chiến binh đâu đó vô hình… tất cả được trải trên nền của giấy dó - loại giấy truyền thống mộc mạc của người Việt.

“Không có màu gì để diễn tả sự trong sáng, cũng không có màu gì tải hết sự sâu sắc tâm hồn Việt, vẻ đẹp Việt, tôi dùng nguyên liệu giấy dó, như một cách để chính nó tự nói về mình”, Jean cười để lộ hàm răng trắng sau hàng ria mép ngả bạc đặc trưng của những chàng lãng tử hào hoa xứ gà trống Gô Loa.

Jean tiết lộ rằng trước giấy dó, bát mực màu, bút vẽ cán tre… ông có thêm hưng phấn để vẽ, nhưng kỳ thực đó là những xúc cảm dồn nén từ sau mỗi chuyến đi.

Jean có sở thích đi đây đi đó, nhưng không phải là du lịch mà là trải nghiệm cuộc sống. Những chuyến “phượt” của đôi vợ chồng thường là những vùng quê nghèo, những bản làng nghèo khó heo hút.

“Trước khi đi chúng tôi không chuẩn bị gì nhiều ngoài những túi kẹo phát cho trẻ nhỏ. Jean hạnh phúc khi thấy chúng cười, những nụ cười lem luốc” – bà Lê Thị Hoa, vợ Jean, kể.

Ông thấy quyết định chuyển từ giấy tranh thủy mặc, tranh vẽ bằng màu keo, mực tàu… để chuyển hẳn sang sử dụng giấy dó là một quyết định đúng đắn.

Những triển lãm của ông sau đó ở nhiều nơi tại Pháp và Hội An đều thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem, bạn vẽ.

Ami Galerie của Jean Cabane (46 Nguyễn Thái Học, TP Hội An, Quảng Nam) không đơn thuần là nơi bày bán tranh, mà hơn thế là nơi hội ngộ bạn bè, nghệ sỹ, những nhà hảo tâm.

Phần lớn tiền từ những bức tranh trưng bày sau khi bán đều trở thành những phần quà cho trẻ em nghèo.

Và chuyện tình Việt

Từ đầu đến cuối câu chuyện, Jean có câu cửa miệng, rằng mọi việc của đời ông đều do cái “duyên” mà ra. Ngay cả việc ở lại Việt Nam, cưới vợ Việt Nam cũng là cái duyên, là sự tình cờ.

 
Vợ chồng Jean Cabane

Năm 2005, Jean đến Đà Nẵng, người đàn ông Pháp lúc ấy đã 56 tuổi lạ lẫm ở nơi đất khách được cô gái Việt tận tình chỉ đường, nơi ăn, chốn ở, tư vấn phong tục tập quán người Việt… Rồi ông quyết tâm trở lại tìm gặp để tặng bức tranh cho người con gái mà mình bắt đầu nhớ nhung.

Cách hẹn hò của Jean cũng không giống ai. Họ rủ nhau tìm về những bản làng xa xôi, thăm hỏi những người nghèo, giúp trẻ nạn nhân chất độc da cam … rồi cảm nhau lúc nào chẳng hay.

Một đám cưới đậm truyền thống Việt được tổ chức, gắn bó hai tâm hồn đồng điệu. Từ ngày tìm được tri kỷ, Jean càng thêm gắn bó với những công việc thiện nguyện.

Người dân các thôn bản vùng cao từ Quảng Nam đến Tây Nguyên, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã quen thuộc với hình ảnh đôi vợ chồng ông Tây gần gũi, có tấm lòng trắc ẩn, yêu thương, thường xuyên tặng quà cho các em nhỏ, sẵn sàng giúp đỡ gia đình
khó khăn.

Những chuyến đi của hai vợ chồng luôn được lưu lại bởi những kỷ vật nhỏ, đôi khi là những thứ người ta bỏ đi nhưng với Jean đó là một giá trị lớn.

“Jean có thói quen lạ lắm, thích lượm nhặt những vật rất đỗi bình thường bị đánh rơi trên đường để về làm kỷ niệm. Có khi đó là mẩu đá nhỏ hay thú bông cũ kĩ bị vứt bỏ ngoài đường, người ta dẫm đạp từ lâu” - bà Hoa nói.

Căn phòng nhỏ được Jean trang trí khá lạ mắt bằng cách bày biện những kỷ vật sưu tầm từ những chuyến đi. Chiếc bàn nhỏ được kê cao, đặt nơi góc trái căn phòng có treo hình Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều nhân vật khác mà ông ngưỡng mộ.

Hành trình yêu thương

Phải tính toán kỹ lưỡng lắm Jean mới thu xếp dành riêng một buổi trò chuyện với chúng tôi. Biết Jean là người ham việc, quý thời gian, vợ ông luôn nhắc phải nghỉ ngơi.

“Sáng sớm mai Jean phải lên đường ra Huế sớm vì một bệnh nhân Quảng Trị bị bệnh tim đang cần giúp đỡ, nhưng Jean thì đang bị đau chân. Còn tôi ra Đà Nẵng làm một số thủ tục” - bà Hoa cho biết.

Cuộc sống của đôi vợ chồng già trở nên bận bịu hơn bởi những công việc “vác tù và” như vậy. Nhưng đó mới chính là niềm vui, là ý nghĩa cuộc sống, Jean chia sẻ với vợ như vậy.

Trước khi trở thành họa sĩ, Jean Cabane là thầy giáo của lớp học đặc biệt ở Pháp, mà học sinh chủ yếu là dân nhập cư, học sinh nghèo, không có tiền nộp học. Ông không chỉ dạy chữ mà chỉ bảo chăm sóc chúng như chính những đứa con của mình.

 

Lý giải việc lựa chọn ở lại Việt Nam, Jean Cabane nói: "Tôi sinh ra trên đất Pháp, nhưng Việt Nam chính là quê hương thứ hai của tôi. Nơi truyền cho tôi những yêu thương, nguồn cảm hứng mới, và cảm nhận giá trị cuộc sống”.

Năm 2005, sang Việt Nam, ông vẫn tiếp nối hành trình yêu thương. Jean nhận dạy tiếng Pháp miễn phí cho sinh viên Đà Nẵng, rồi tham gia Hội hữu nghị Pháp - Việt, hội viên Hội bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, trở thành “ông Tây của trẻ da cam”.

Ông huy động quyên góp giúp đỡ các em nhỏ nạn nhân da cam thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ người nghèo phương tiện sinh kế. Nhiều người còn nhắc đến Jean trong Dự án tặng bò, heo, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân da cam.

Ông quan niệm từ thiện không có nghĩa là ban ơn, mà là tạo động lực để người đó đứng lên từ chính đôi chân của mình. “Không nên tạo cho họ những mặc cảm được ban ơn, cách hiểu sai lầm đó đồng thời gây tội lớn. Ai cũng có lòng tự trọng, và họ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi chính mình vượt lên số phận” - Jean nói.

Sống trên vùng đất mới, nhưng vợ chồng Jean có rất nhiều bạn thân từ bác xích lô, lái đò, đến anh phu xe, nông dân cày ruộng… Câu chuyện của chàng trai nghèo Nguyễn Văn Dũng trở thành hướng dẫn viên tự do, mưu sinh bằng nghề làm du lịch ở chính khu xóm nghèo cạnh dòng sông Hoài chỉ bằng chiếc thuyền độc mộc mà vợ chồng Jean đóng tặng khiến nhiều người cảm động.

Theo Hoài Văn / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.