Lăng vua Hiệp Hòa được công nhận di tích

08/12/2015 20:27 GMT+7

Khu lăng mộ đã được trùng tu theo kiến trúc cung đình triều Nguyễn với đầy đủ các hạng mục, gồm: tẩm lăng, bi đình, sân bi đình, đường trung đạo, trụ biểu, bình phong, hiển long và ẩn long…

Khu lăng mộ đã được trùng tu theo kiến trúc cung đình triều Nguyễn với đầy đủ các hạng mục, gồm: tẩm lăng, bi đình, sân bi đình, đường trung đạo, trụ biểu, bình phong, hiển long và ẩn long…

Đại diện phủ Văn Lãng, hậu duệ vua Hiệp Hòa và nhóm quyên góp trùng tu lăng vua Hiệp Hòa dâng hương trong lễ hoàn công công trình vào ngày 13.8.2013 - Ảnh: Bùi Ngọc LongĐại diện phủ Văn Lãng, hậu duệ vua Hiệp Hòa và nhóm quyên góp trùng tu lăng vua Hiệp Hòa dâng hương trong lễ hoàn công công trình vào ngày 13.8.2013 - Ảnh: Bùi Ngọc Long
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với lăng mộ vua Hiệp Hòa, tọa lạc ở khu vực đồi thông thuộc P.An Tây, TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) cùng 3 khu lăng mộ các chúa Nguyễn và vợ của chúa Nguyễn Hoàng tại Thừa Thiên-Huế.
Theo đó, các khu lăng mộ được công nhận di tích cấp tỉnh gồm: khu lăng vua Hiệp Hòa, khu lăng Trường Diễn của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (vị chúa Nguyễn thứ hai) và lăng Trường Hưng của chúa Nguyễn Phúc Tần (vị chúa Nguyễn thứ tư) đều tọa lạc tại thôn Hải Cát, xã Hương Thọ (TX.Hương Trà) và lăng Vĩnh Cơ của vợ chúa Nguyễn Hoàng, mẹ chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tọa lạc tại xã Hương Thọ (T.X Hương Trà).
Theo lịch sử, vua Hiệp Hòa, tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị. Sau khi làm vua được 4 tháng, ông bị phế truất và đến ngày 30.10 năm Quý Mùi (tức ngày 29.11.1883) thì qua đời. Sau khi ông mất, triều trình giao cho Phủ Tôn Nhân chôn cất theo nghi thức Quốc công và vì là vị vua bị phế truất (phế đế) nên vua Hiệp Hòa không được thờ trong Thế Miếu.
Năm 2013, xót xa trước tình cảnh lăng mộ của một vị hoàng đế nhưng chịu cảnh hoang tàn, một nhóm thân hữu người Huế ở TP.HCM và Đà Nẵng đã đứng ra vận động quyên góp và thông qua Phủ Văn Lãng (phủ thờ của nhánh hậu duệ của vua Hiệp Hòa) để trùng tu khu lăng mộ.
Theo đó, khu lăng mộ đã được trùng tu lại theo kiến trúc cung đình triều Nguyễn với đầy đủ các hạng mục, gồm: tẩm lăng, bi đình, sân bi đình, đường trung đạo, trụ biểu, bình phong, hiển long và ẩn long… đúng tiêu chuẩn của một khu lăng mộ của một bậc hoàng đế.
Sau khi khu lăng mộ được trùng tu, ngày 3.9.2013, ông Vĩnh Mẫn (đại diện Phủ Văn Lãng, trú tại 2/11 Nguyễn Sinh Cung, TP.Huế, là hậu duệ của vua Hiệp Hòa) đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với lăng vua Hiệp Hòa.
Sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công văn chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, căn cứ các quy định hiện hành, tham mưu cho UBND tỉnh về việc lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối lăng vua Hiệp Hòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.