Chiều 25.12, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm đối với 21 bị cáo có đơn kháng cáo vụ án "chuyến bay giải cứu".
Sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với các bị cáo thuộc nhóm đưa hối lộ, hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn đối với nhóm bị cáo nhận hối lộ.
"Không biết bố mẹ còn chờ được bị cáo trở về không"
Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", ông Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, là người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất, với số tiền lên tới 42,6 tỉ đồng. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Kiên bị TAND TP.Hà Nội tuyên án chung thân.
Trình bày trước tòa hôm nay 25.12, bị cáo Phạm Trung Kiên thừa nhận hành vi phạm tội, cho biết sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, bị cáo đã tác động gia đình khắc phục nốt số tiền còn lại là hơn 400 triệu đồng và nộp 100 triệu đồng hình phạt bổ sung.
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế liệt kê nhiều tình tiết, mong hội đồng xét xử xem xét, đánh giá để giảm mức án cho mình. Điển hình như, bị cáo đã thành khẩn, chủ động khai báo, ăn năn hối lỗi; từng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện và nhận được thư cảm ơn của các tổ chức nhân đạo.
Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế sợ ‘bố mẹ không chờ được’
Vẫn theo bị cáo Phạm Trung Kiên, sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo tiếp tục làm việc với cơ quan điều tra, chủ động khai báo để làm rõ hành vi sai phạm liên quan số tiền 15 tỉ đồng đã nhận khi cấp phép chuyến bay cho các đoàn khách lẻ.
"Kính xin hội đồng xét xử, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân tha tội cho bị cáo, để bị cáo sớm được trở về. Bị cáo bị án chung thân, không biết bố mẹ bị cáo còn chờ được bị cáo trở về hay không. Xin cho bị cáo mức án tù có thời hạn để sớm được trở về làm lại cuộc đời", cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nghẹn ngào.
Do đã nộp lại hết số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ, bị cáo Kiên cũng xin giải tỏa kê biên đối với một số tài sản, gồm một căn hộ chung cư ở Hà Nội và một mảnh đất mua chung với người khác ở Mũi Né (Bình Thuận).
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mong được khoan hồng
Người tiếp theo hội đồng xét xử thẩm vấn là bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, một trong số các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Hồi tháng 7, ông Dũng bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù về tội nhận hối lộ, với cáo buộc nhận 21,5 tỉ đồng của các doanh nghiệp trong quá trình cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước.
Tại tòa hôm nay 25.12, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tiếp tục thừa nhận hành vi vi phạm, đồng thời trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ để mong hội đồng xét xử khoan hồng.
Ông Dũng trình bày rằng, bản án sơ thẩm chỉ nêu tóm tắt về việc các doanh nghiệp đến gặp bị cáo, đưa tiền và bị cáo nhận; nếu chỉ nhìn như vậy thì chưa phản ánh khách quan, đầy đủ thực tế cũng như tính chất vi phạm.
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Những hình ảnh đầu tiên trong phiên phúc thẩm
Theo cựu thứ trưởng, suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tổ chức các chuyến bay, bị cáo không làm gì sai phạm chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi tiếp xúc với doanh nghiệp, mục đích của bị cáo là lắng nghe và tháo gỡ khó khăn nếu có, chứ không hề có ý đồ cá nhân hay vòi vĩnh gì.
Đến nay, bị cáo đã nhận thức rõ sai phạm của bản thân, hết sức đau đớn khi rơi vào vòng lao lý, ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của ngành ngoại giao cũng như Bộ Ngoại giao.
Chính vì nhận thức được sai phạm, cựu thứ trưởng đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, đã tác động gia đình khắc phục 100% số tiền hưởng lợi bất chính.
Bị cáo cũng trình bày bản thân từng có 30 năm công tác với nhiều đóng góp, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen; gia đình có công với cách mạng…
Từ những căn cứ trên, ông Dũng tha thiết mong hội đồng xét xử đánh giá toàn diện vụ án, cho hưởng mức án khoan hồng để có thể sớm trở về với gia đình, xã hội.
Được trình bày trước tòa, vợ ông Tô Anh Dũng xin giảm nhẹ tội cho chồng, đồng thời đề nghị được giải chấp các tài sản của gia đình bị kê biên, vì toàn bộ hậu quả đã được khắc phục.
Xem nhanh 20h ngày 25.12: Thời sự toàn cảnh
Chủ doanh nghiệp không đòi 18,8 tỉ từ cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng
Tại tòa, 2 bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, và Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bluesky, giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đáng chú ý, 2 bị cáo này cùng nhau xin thay đổi một phần kháng cáo về việc không yêu cầu tòa án buộc bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 (Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an), phải trả lại số tiền 18,8 tỉ đồng liên quan hành vi lừa "chạy án".
Trong vụ "chuyến bay giải cứu", bị cáo Hưng từng là điều tra viên chính thụ lý vụ án, nhưng sau này được điều chuyển công tác.
Dù không còn nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết vụ án, nhưng bị cáo Hưng vẫn thông tin gian dối để nhận 800.000 USD (tương đương 18,8 tỉ đồng) từ các bị cáo Hằng và Sơn; hứa hẹn sẽ "chạy án", giúp bị cáo Sơn không bị xử lý hình sự.
Do bị cáo Hưng không có thẩm quyền gì về việc giải quyết vụ án, vì thế cả Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky đều bị khởi tố, bắt tạm giam, chứ không thoát tội như hứa hẹn.
Bình luận (0)