Bị cáo Phạm Hồng Quyên (33 tuổi, trú tại Hà Nam) vừa bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 15 năm tù về tội cướp tài sản, trong phiên tòa diễn ra ngày 3.12.
Cùng vụ án, 3 người khác được xác định đồng phạm với bị cáo Quyên, lần lượt bị tuyên từ 7 - 13 năm tù, đều về tội danh nêu trên.
Lãnh án tù từ việc mua bán bất động sản
Cáo trạng cho thấy, đầu năm 2021, bị cáo Quyên quen biết anh Đông, giám đốc một công ty bất động sản trên địa bàn H.Chương Mỹ (Hà Nội).
Sau thời gian trao đổi, bị cáo Quyên cùng một người bạn đến văn phòng công ty của anh Đông, ký hợp đồng và đặt cọc 1 tỉ đồng để mua 1.000 m2 đất. Hai bên thỏa thuận sẽ hoàn tất việc thanh toán khi có "sổ đỏ" chính chủ. Bên nào vi phạm sẽ phải chịu tiền phạt.
Hết 3 tháng theo hợp đồng đặt cọc nhưng anh Đông không thực hiện được giao dịch bán đất như đã thỏa thuận, do đó phải trả cho phía bị cáo Quyên 1,2 tỉ đồng, gồm 1 tỉ đồng tiền gốc và 200 triệu đồng tiền phạt.
Từ tháng 11.2021 đến tháng 8.2022, anh Đông mới trả được 630 triệu đồng cho Quyên, còn nợ 570 triệu đồng. Bị cáo Quyên nhiều lần tìm gặp đòi tiền nhưng anh Đông chưa trả.
Giữa tháng 4.2023, bị cáo Quyên cùng một nhóm người đi ô tô đến văn phòng công ty bất động sản của anh Đông đòi nợ. Tại đây, nhóm bị cáo chửi, tát, ép đối phương viết giấy nhận nợ. Theo nội dung giấy, trong vòng 1 tháng anh Đông phải trả nốt tiền, hoặc phải nhận nợ 1,7 tỉ đồng.
Đến hạn, anh Đông vẫn chưa có tiền trả. Bị cáo Quyên cùng 3 người nữa đi ô tô đến đòi nợ. Anh Đông viện cớ không trả, nhóm bị cáo xông vào đánh nạn nhân. Cùng thời điểm, lực lượng Công an TT.Xuân Mai (H.Chương Mỹ) nhận được tin báo của anh Đông nên đã đến hiện trường, bắt quả tang nhóm bị cáo.
Ngoài việc xử lý hình sự đối với bị cáo Quyên và đồng phạm, cơ quan điều tra xác định giao dịch mua bán đất giữa anh Đông và bị cáo là quan hệ dân sự, không có sự việc phạm tội, do đó không đề cập xử lý.
Bài học cho chủ nợ
Đây không phải lần đầu xảy ra tình huống đi đòi nợ rồi vướng vòng lao lý. Hồi tháng 3.2023, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Mai Thị Lan Duyên (29 tuổi) và Nguyễn Đức Huy (26 tuổi) cùng mức án 11 năm tù về tội cướp tài sản.
Duyên và Huy bị một người bạn lừa dối để vay hàng trăm triệu đồng rồi không trả. Quá trình đòi nợ, các bị cáo dùng băng keo trói tay chân đối phương để gây sức ép. Hậu quả từ việc đòi nợ "bằng nắm đấm" khiến 2 người từ bị hại chuyển thành bị cáo.
Theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), do thiếu hiểu biết và cũng một phần bức xúc vì đòi tiền mãi mà chưa được, nhiều chủ nợ đã sử dụng bạo lực để gây sức ép với người nợ tiền. Tuy nhiên, lựa chọn này là sai lầm, đôi khi "tiền chưa đòi được mà người đã vướng vào lao lý".
Vị luật sư phân tích, nếu người nợ dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền rồi chiếm đoạt thì có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu việc vay mượn là hợp pháp, nhưng sau đó người vay tìm cách chiếm đoạt hoặc có khả năng mà cố tình không trả, thì có dấu hiệu tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Chủ nợ cần tố cáo hành vi của người nợ tới cơ quan công an.
Trường hợp vay tiền chỉ là giao dịch dân sự, chủ nợ có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người nợ trả tiền.
Như vậy, chủ nợ cần tự phân tích, nhận diện các tình huống để đưa ra hành động tương ứng. Nhưng dù ở trường hợp nào, việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, chiếm giữ tài sản hoặc bắt giữ người nợ đều không được pháp luật cho phép.
"Đòi nợ là quyền của chủ nợ, nhưng không có nghĩa đòi bằng mọi cách. Nếu người nợ chây ì, cách tốt nhất là nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, tuyệt đối không sử dụng các biện pháp vi phạm pháp luật", luật sư Tâm khuyến cáo.
Bình luận (0)