Lãnh đạo Anh giận dữ ra sao khi Pháp ngăn đưa quân lật đổ Saddam Hussein ở Iraq?

Khánh An
Khánh An
31/12/2024 11:58 GMT+7

Hồ sơ do Anh công bố cho thấy cựu Thủ tướng Tony Blair nổi giận vì Pháp không ủng hộ việc đưa quân đến Iraq để lật đổ ông Saddam Hussein.

Lãnh đạo Anh giận dữ ra sao khi Pháp ngăn đưa quân lật đổ Saddam Hussein ở Iraq?- Ảnh 1.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair

ẢNH: REUTERS

Các tài liệu được giải mật của chính phủ Anh công bố ngày 31.12 cho thấy sự bức xúc của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khi cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac ngăn hành động quân sự ở Iraq.

Vào ngày 20.3.2003, Anh gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu để đưa quân đến Iraq, bất chấp khoảng 1 triệu người tuần hành ở London phản đối việc can thiệp quân sự tại quốc gia Trung Đông.

Trước đó, ông Chirac tuyên bố sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an LHQ về hành động quân sự ở Iraq.

Đến ngày 17.3.2003, nội các Anh họp khẩn cấp và các bộ trưởng Anh cho rằng "thái độ của Pháp đã làm suy yếu cơ chế của LHQ nhằm thực thi ý chí của cộng đồng quốc tế", theo biên bản cuộc họp vừa được công khai.

Biên bản trên nằm trong những tài liệu do Cục Lưu trữ quốc gia Anh công khai. Theo đó, ông Blair nói rằng "chúng ta đã cố gắng hết sức", nhưng Pháp "không sẵn sàng chấp nhận rằng nếu (cựu) Tổng thống Iraq Saddam Hussein không tuân thủ LHQ, hành động quân sự sẽ theo sau".

Anh vẫn cương quyết gia nhập hành động quân sự do Mỹ dẫn đầu để lật đổ ông Saddam Hussein. Ông Blair khi đó nhấn mạnh cáo buộc rằng nhà độc tài Iraq dự trữ những vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush khi đó cũng đưa ra cáo buộc trên, dù điều này sau đó được chứng minh là không đúng.

Theo các hồ sơ, ngoại trưởng Anh khi đó là ông Jack Straw nói với nội các rằng "trên thực tế, một thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đã phá hoại toàn bộ quá trình", đồng thời cáo buộc ông Chirac quyết định "mở ra sự chia rẽ chiến lược giữa Pháp và Anh".

Phần cuối biên bản trên viết: "thủ tướng nói rằng quá trình ngoại giao đã kết thúc, ông Saddam Hussein sẽ nhận tối hậu thư rời Iraq và hạ viện sẽ được yêu cầu thông qua việc sử dụng hành động quân sự chống lại Iraq để thực thi việc tuân thủ, nếu cần thiết".

20 năm sau khi đưa quân vào Iraq, Mỹ chật vật với hậu quả

Hành động quân sự của Anh sau đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ủng hộ dành cho ông Blair, lên đến đỉnh điểm là cuộc điều tra độc lập về vai trò của Anh tại Iraq. Cuộc điều tra mang tên Chilcot đưa đến kết luận vào năm 2016 rằng ông Blair đã cố ý thổi phồng mối đe dọa từ chính quyền khi đó ở Iraq.

Ông Blair sau đó bày tỏ "nỗi buồn, sự hối tiếc và lời xin lỗi" vì những sai lầm đã mắc phải trong quá trình lập kế hoạch cho cuộc xung đột.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.