Lãnh đạo các nhà hát bàn lùi

17/02/2008 22:59 GMT+7

Hội nghị triển khai công tác năm 2008 của Bộ VH-TT-DL coi "xã hội hóa" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm. Tuy nhiên, hiểu thế nào (cho đúng) về bản chất của "xã hội hóa" thì dường như chính những người trong cuộc cũng lúng túng.

Từ năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 với nội dung "khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao". Theo đó, "xã hội hóa" được hiểu "là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội, khuyến khích phát triển rộng rãi các cơ sở ngoài công lập". Cũng theo nghị định này, Nhà nước sẽ có các chính sách ưu đãi về thuế, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, bảo hiểm xã hội... cho các cơ sở ngoài công lập. Các đơn vị công lập khi chuyển sang mô hình ngoài công lập cũng vẫn được tiếp tục quản lý và sử dụng phần tài sản do Nhà nước đầu tư (kể cả đất và tài sản trên đất). 

Năm 2005, Chính phủ phê duyệt Nghị quyết số 05 về "đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao". Tuy nhiên, nghị quyết lại cho rằng xã hội hóa không phải chỉ là "huy động sự đóng góp của nhân dân", vì vậy, phải "chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích, không bao cấp tràn lan và không nhằm lợi nhuận (gọi tắt là cơ chế cung ứng dịch vụ)". Cũng theo cách hiểu này, trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, các đơn vị công lập (trung ương và địa phương) phải "từng bước chuyển sang loại hình ngoài công lập", và "chỉ tiêu định hướng đến năm 2010 là chuyển toàn bộ số cơ sở công lập hiện có thuộc ngành văn hóa sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ".

Hiện nay, cả nước có 12 đoàn nghệ thuật trung ương, 105 đoàn nghệ thuật địa phương và 15 đoàn nghệ thuật do các bộ khác quản lý. Tổng số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước là 132 đoàn. Tổng số vở diễn sân khấu của các đoàn nghệ thuật trung ương: 15 vở/năm. Ca, múa, nhạc: 212 buổi/năm. Tổng doanh thu của các đơn vị nghệ thuật trung ương do Bộ VH-TT (cũ), nay là Bộ VH-TT-DL quản lý là... 1 tỉ đồng/năm.

Ngay sau đó, Bộ VH-TT (cũ) cũng ra Quyết định phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010, mà nội dung chỉ đạo là chuyển đổi toàn bộ các đơn vị nghệ thuật công lập thuộc ngành văn hóa sang cơ chế cung ứng dịch vụ, có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức, quản lý và hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi. Thế nhưng, việc sắp xếp chuyển đổi lại được tiến hành theo quy trình: ở trung ương vẫn tiếp tục duy trì hình thức công lập đối với các đoàn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu (tuồng, chèo, cải lương), trong khi ở mỗi tỉnh chỉ duy trì một đoàn nghệ thuật truyền thống. Với những tỉnh, thành phố có nhiều đoàn nghệ thuật công lập, thì UBND tỉnh phải xem xét giảm bớt số đoàn này (chuyển đổi thành đoàn ngoài công lập hoặc sáp nhập vào các đoàn khác), để giữ lại đoàn nghệ thuật công lập truyền thống, tiêu biểu của địa phương.

Tiếp đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) cũng xây dựng Đề án quy hoạch ngành nghệ thuật biểu diễn đến năm 2010. Với đề án này, trong lộ trình đến năm 2010, Cục sẽ lựa chọn một số đơn vị để chuyển đổi sang hình thức ngoài công lập (chủ yếu là dân lập). Trước mắt, sẽ có 2 nhà hát cấp trung ương (Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương) phải chuyển đổi.

Song, trên thực tế, dường như luôn luôn có một khoảng cách giữa "nói" và "làm". Bởi cho đến nay, giữa nhà quản lý và cá nhân, đơn vị liên quan vẫn chưa thể tìm được tiếng nói thống nhất. PV Thanh Niên đã gặp gỡ một số người trực tiếp liên quan để tìm hiểu xem vướng mắc nằm ở đâu.

Ảnh: Đình Toán

NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ:

Thôi, đừng nói chuyện này làm gì !

 * Ông hiểu "xã hội hóa" như thế nào?

- Không thể quan niệm đơn thuần xã hội hóa chỉ là biện pháp nhằm cắt giảm ngân sách nhà nước hoặc đơn thuần là phát triển khu vực tư nhân. Xã hội hóa không phải là tư nhân hóa. Tôi nói thật, nếu "xã hội hóa" theo kiểu đấy thì đoàn kịch hình thể của NSND Lan Hương chỉ hoạt động được vài ngày là "chết". Theo tôi, "xã hội hóa" sân khấu thì cả xã hội phải đầu tư cho sân khấu. Từ các bộ, các ban, ngành, các công ty, tổ chức cá nhân, đến các tập đoàn kinh tế... phải đầu tư cho nghệ thuật chứ không phải là cứ khoán gọn mỗi năm 1-2 vở rồi rót kinh phí, như vậy không gọi là đầu tư. Trong khi ở các nước tư bản, người ta vẫn giao cho nhà hát mỗi năm bao nhiêu tiền và bớt thuế cho tập đoàn kinh tế nào đầu tư cho nhà hát. Xã hội hóa không phải là quẳng người ta ra đường. Mỗi nhà hát có phải là gánh hát rong đâu! Nếu Nhà nước muốn chúng tôi thành lập nhà hát tư nhân thì mọi chuyện sẽ khác. Các đoàn nghệ thuật tư nhân sẽ chỉ cốt diễn vở ăn khách thôi, làm lệch lạc thị hiếu thẩm mỹ khán giả.

* Có cần thiết phải quá lo lắng cho "thị hiếu thẩm mỹ khán giả" không khi khán giả vốn dĩ đã có rất nhiều thành phần và không phải ai cũng dễ dãi?

- Theo tôi, nhà hát nào muốn sống lâu, sống dài thì phải chọn những vở diễn nghiêm túc, chứ không phải là trở thành bầu sô, thành công ty tổ chức biểu diễn. Với những thuận lợi mà Nhà hát Tuổi Trẻ đang có, nếu chúng tôi chuyển thành đơn vị ngoài công lập và thực hiện cổ phần hóa, các nghệ sĩ sẽ "dễ sống" hơn rất nhiều. Khi đó, chúng tôi sẽ phải nghĩ cách làm thế nào để bán được thật nhiều vé, thu được thật nhiều tiền. Nhưng còn cái tâm của nghệ sĩ thì sao? Thôi, đừng nói chuyện này làm gì! Xã hội hóa y tế là cần thiết vì chất lượng phục vụ sẽ tốt hơn. Xã hội hóa giáo dục cũng tốt. Nhưng xã hội hóa nghệ thuật lại là chuyện khác. Xin đừng đem chuyện xã hội hóa sân khấu trong Nam để so sánh với sân khấu ngoài Bắc, vì hai vùng miền đã khác nhau, hai cách thức sinh hoạt, hai cách thức hưởng thụ cuộc sống cũng khác biệt...

Ảnh: Thu Nguyệt

NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương:

Không ai biết lộ trình thế nào !

* Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương đã chuẩn bị gì cho việc "xã hội hóa"?

- Suốt một thời gian, cụm từ "đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc" đã trở thành câu cửa miệng, còn bây giờ lại là cụm từ "xã hội hóa". Ai cũng nói về "xã hội hóa" mà thực bụng không ai biết lộ trình của nó thế nào. Theo tôi, chủ trương của Chính phủ là đúng đắn. Nhưng xã hội hóa không có nghĩa là đẩy các đơn vị nhà nước ra ngoài khu vực công lập. Tại sao khi làm đề án cho chúng tôi, các nhà quản lý không chịu tìm hiểu tâm tư của chúng tôi, cứ phóng bút viết? Tôi đủ sức để lập công ty tư nhân. Chúng tôi cũng là những người tiên phong trong tự chủ tài chính. Nếu muốn cổ phần hóa, chúng tôi cũng sẵn sàng cổ phần hóa ngay. Chúng tôi không hèn kém gì, và cũng không trông chờ vào bầu sữa bao cấp Nhà nước. Nhưng điều chúng tôi muốn nói là chúng tôi đã đi theo Đảng, theo Nhà nước suốt bao nhiêu năm nay, bây giờ muốn chúng tôi ra ngoài công lập thì cũng phải hỏi một câu chứ!

* Vậy, ông còn thắc mắc ở điểm nào?

- Trong lịch sử phát triển ngành, các nhà hát, các sân khấu ở miền Nam ngay từ đầu đã là của tư nhân. Họ có bao giờ là của Nhà nước đâu mà cần xã hội hóa như sân khấu phía Bắc. Vì vậy, đối với sân khấu phía Bắc, muốn xã hội hóa, Nhà nước phải thực hiện vấn đề cơ chế, chính sách. Không nên hiểu xã hội hóa một cách giản đơn là đưa các đơn vị nghệ thuật công lập ra ngoài công lập. Theo tôi biết, hiện nay, cơ chế, chính sách không có lộ trình gì cả. Thế thì cơ quan quản lý cấp dưới thực hiện thế nào? Ngoài ra, việc hỗ trợ tài chính, đất đai, trụ sở biểu diễn thực hiện ra sao? Chứ hiện nay, tiếng là "nhà hát" nhưng chúng tôi có "nhà để hát" đâu. Cứ tưởng tượng thế này, anh có mấy đứa con trong nhà, bây giờ muốn chúng nó ra ở riêng, anh cũng phải sắm cho nó cái xoong, cái nồi chứ. Chả nhẽ cứ vứt chúng nó ra đường?

* Nhưng nếu như xã hội hóa là để tránh tình trạng ỷ lại vào Nhà nước, ông có ủng hộ không?

- Mỗi nhà hát chỉ được cấp 3 tỉ đồng/năm, có nhiều nhặn gì đâu. Thị trường nhạc nhẹ bây giờ không thuận lợi. Là những người lăn lóc với nghề, chúng tôi hiểu rõ. Người xem truyền hình cả nước nhẵn mặt ca sĩ. Khi làm live show, còn ai muốn xem nữa? Cấp trung gian quản lý hiện nay rất xa rời thực tế. Sau nhiều năm, họ vẫn nói rằng các bộ môn giao hưởng, bác học đang hoạt động khó khăn, mà không biết rằng các bộ môn nghệ thuật này được tài trợ gấp nhiều lần các loại hình đương đại khác. Không phải chúng tôi bất tài bất lực gì đâu. Nhưng nếu xã hội hóa là việc Nhà nước cắt bầu sữa bao cấp thì Nhà nước phải giúp các đoàn nghệ thuật công lập tự chủ. Chứ đừng lên cơn sốt "xã hội hóa" như sốt giá vàng, sốt chứng khoán, để rồi mỗi người hiểu "xã hội hóa" một kiểu, rốt cuộc chỉ giống như "thầy bói xem voi". Hơn nữa, Nhà nước cũng phải tính đến văn hóa nghệ thuật là mặt hàng rất nhạy cảm, và còn là công cụ tuyên truyền nữa.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.