Lãnh đạo Công ty CP thủy điện Trường Sơn: “Dân có gì đâu mà thiệt hại”

15/10/2012 03:30 GMT+7

Để làm rõ nguyên nhân, hậu quả cũng như công tác khắc phục của sự cố vỡ đập chắn thủy điện Đakrông 3 (H.Đakrông, Quảng Trị), ngày 14.10, PV Thanh Niên đã có buổi làm việc với Công ty CP thủy điện Trường Sơn (chủ đầu tư).

>> Ém nhẹm thông tin vỡ đập thủy điện
>> Vỡ đập thủy điện Đakrông 3, thiệt hại hàng chục tỉ đồng
>> Công khai phương án sơ tán dân nếu vỡ đập thủy điện

Dù đã liên hệ từ trước và được sự đồng ý của ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Trường Sơn, nhưng khi PV lên tận công trình, thì ông Hải đi đâu mất. Tiếp chúng tôi, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT, có những phát ngôn trái ngược với ông Hải cách đó 1 ngày.

 Nhà máy thủy điện Đakrông 3
Một góc Nhà máy thủy điện Đakrông 3 và phần thân đập bị vỡ. Ảnh chụp trưa 14.10 - Ảnh: Nguyễn Phúc

Như Thanh Niên ngày 14.10 thông tin, trong cuộc làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị và các ban ngành liên quan vào sáng 13.10, ông Hải báo cáo: Khoảng 7 giờ ngày 7.10, hạng mục vai trái đập dâng đang thi công (ngang 20 m, cao 6 m) bị vỡ. Nguyên nhân tạm thời (theo chủ đầu tư) là do công trình đang trong quá trình thi công hoàn thiện, kết hợp với việc tích nước lòng hồ để thử tải tổ máy và mưa lũ lớn. Tổng thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng. Trong khi đó, ông Huế nói rằng thân đập được xây dựng theo công nghệ đập tràn piano của Pháp và phần bị vỡ chỉ là phần vách tường tạm để tích nước phục vụ việc vận hành thử. “Ngày 12.9, chúng tôi tích nước và đến ngày 25.9 khi đã xong việc vận hành thử, chúng tôi cho công nhân tự đập vỡ vách tường tạm này. Chúng tôi không có thiệt hại nào cả”, ông Huế nói.

Trong khi ông Phạm Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Đakrông khẳng định chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho một số hộ dân ở khu vực lòng hồ, thì ông Huế một mực cho rằng công tác này đã hoàn thành nhưng điều mâu thuẫn là ông Huế nói các biên bản thỏa thuận đền bù là do huyện nắm giữ. Ông Huế cũng phủ nhận thông tin nhà máy chưa hoàn thiện mà đã cho tích nước: “Chúng tôi tích nước để kiểm tra thân đập có sự cố gì không thôi, sau đó lại tháo đi”. Nhưng như thông tin đã nêu, trong thời gian này thủy điện Đakrông 3 đã đóng điện hòa vào điện lưới quốc gia.

Ngày 14.10, lãnh đạo 2 xã Đakrông và Tà Long một lần nữa tái khẳng định thiệt hại về lương thực, hoa màu của người dân địa phương do sự cố tại thủy điện Đakrông 3 là có. Thế nhưng, vị chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy điện Trường Sơn lại nói như đinh đóng cột rằng: “Dân có gì đâu mà thiệt hại. Đến nay, chúng tôi cũng có nhận được văn bản nào của chính quyền thông báo về chuyện này đâu”.

Từ đầu đến cuối, ông Huế vẫn kiên quyết không gọi sự cố tại thủy điện Đakrông 3 là “vỡ đập” và nói cuối tháng 10 này công ty sẽ tiếp tục xây dựng phần thân đập mới bị đập bỏ, trong vòng 1 tháng sẽ xong. Nhưng có một thực tế khó giải thích rằng, trong buổi làm việc chính thức của UBND tỉnh Quảng Trị, H.Đakrông và các ban ngành liên quan, phía chủ đầu tư đã trình bày câu chuyện như là một sự việc khá nghiêm trọng nên đoàn công tác đã có kết luận sơ bộ thì nay tưởng chừng như câu chuyện lại được hướng đến mức nhẹ nhàng nhất.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.