7 giờ sáng nay 18.9, các đoàn do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Phó thủ tướng Lê Minh Khái dẫn đầu đã vào viếng thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi vòng hoa viếng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
"Vô cùng thương tiếc GS - TS, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp tình báo quân đội, đối ngoại quốc phòng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin kính viếng tiễn đưa đồng chí và xin chia buồn sâu sắc nhất đến toàn thể gia đình", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi sổ tang.
Trưởng ban tổ chức lễ tang là đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Lễ truy điệu thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh diễn ra lúc 12 giờ 30; lễ an táng diễn ra lúc 17 giờ 15 cùng ngày tại công viên Thiên Đức (xã Bảo Thanh, H.Phù Ninh, Phú Thọ).
Như Thanh Niên đã đưa tin, sau một thời gian lâm bệnh nặng, dù đã được Đảng, Nhà nước, quân đội, các giáo sư, bác sĩ, gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã từ trần vào hồi 1 giờ 17 ngày 14.9, tại nhà riêng ở Hà Nội.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh năm 1959 (giấy tờ lý lịch ông ghi năm 1957), quê ở Thừa Thiên - Huế, con trai của đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cố chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quá trình công tác của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Từ tháng 10.1976 - tháng 8.1977: chiến sĩ Đoàn 871, học viên Trường Văn hóa, Bộ Quốc phòng.
Từ tháng 9.1977 - tháng 10.1979: học viên Học viện Kỹ thuật quân sự.
Từ tháng 11.1979 - tháng 8.1980: chiến sĩ D18, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.
Từ tháng 9.1980 - tháng 7.1984: học viên Trường SQKT Thông tin; Đại học Ngoại ngữ quân sự (nay là Học viện Khoa học quân sự).
Từ tháng 8.1984 - tháng 8.1988: trợ lý nghiệp vụ Phòng 3, Đoàn 817, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu, tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Campuchia.
Từ tháng 9.1988 - tháng 6.1989: được cử đi đào tạo nghiệp vụ tại Học viện Tình báo Liên Xô.
Từ tháng 7.1989 - tháng 8.1993: Phó trưởng phòng 3, Đoàn 817, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu.
Từ tháng 9.1993 - tháng 12.1994: Trưởng phòng 9, Cục 12, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng.
Từ tháng 1.1995 - 10.1999: Phó cục trưởng, Cục trưởng Cục 12, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng.
Từ tháng 11.1999 - tháng 2.2009: Phó tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục II, Bộ Quốc phòng.
Tháng 3.2009, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tháng 1.2011, ông được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng và là Ủy viên Quân ủy T.Ư.
Tháng 1.2016, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng và tham gia Ban Thường vụ Quân ủy T.Ư.
Tháng 10.2021: thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được Đảng, Nhà nước cho nghỉ theo chế độ.
Với những công lao, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; Huân chương Lao động hạng ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga; Huân chương It xa la hạng nhì của Nhà nước Lào; Huân chương Anh dũng hạng nhì của Nhà nước Lào; Huân chương Antonio Maceo của Nước cộng hòa Cuba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất của Campuchia; Huân chương Đại thập tự của Campuchia; Huân chương Mặt trời mọc tia sáng vàng của Nhật Bản; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Bình luận (0)